Hé lộ con đường chủng virus mới lần đầu tiên nhảy từ động vật sang cơ thể con người chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng.
Một năm sau khi dịch bệnh bùng phát lại càng không phải là "thời gian vàng" để đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của virus.
Nhưng, kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tìm ra lời giải cho câu hỏi nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19. WHO cho biết 10 chuyên gia quốc tế sẽ cùng các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Vũ Hán, ổ dịch đầu tiên trên thế giới, theo South China Morning Post.
Truy tìm "bệnh nhân số 0"
Khi Vũ Hán lần đầu báo động về bệnh viêm phổi bí ẩn vào chiều 31/12, nhà chức trách y tế đã tìm thấy mối liên hệ giữa hàng chục bệnh nhân với khu chợ Hoa Nam bán hải sản, thịt và động vật hoang dã tươi sống.
Chi tiết chợ hải sản làm sống lại ký ức kinh hoàng về đợt bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp SARS gần 20 năm trước. Khi đó, một chủng virus corona gây chứng viêm đường hô hấp đã nhảy từ cầy hương sang người, dịch bệnh bùng phát từ một chợ bán đồ tươi sống ở tỉnh Quảng Đông.
Giới khoa học nhìn chung nhất trí loại virus mới, giống như 70% các mầm bệnh khác được phát hiện trong 50 năm qua, có nguồn gốc từ động vật, nhiều khả năng là dơi. Virus có thể đã từ một động vật trung gian nào đó xâm nhập vào cơ thể con người.
Nhưng điều gì thực sự đã xảy ra hiện vẫn là bí ẩn. Chưa có bằng chứng xác thực cho thấy mối liên hệ giữa động vật nhiễm bệnh với bất cứ địa điểm nào.
Sự mơ hồ bao phủ nguồn gốc dịch bệnh tạo cơ hội cho vô số thuyết âm mưu nổi lên, như giả thuyết virus xuất phát từ một trung tâm nghiên cứu sinh học ở Vũ Hán, hay quân đội Mỹ đưa dịch bệnh tới Trung Quốc.
Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. - Ảnh: AP. |
Trong vòng xoáy của những đồn đoán, tìm hiểu cách thức virus bùng phát tại Vũ Hán là trọng tâm trong giai đoạn 1 cuộc điều tra của nhóm chuyên gia WHO.
Giai đoạn 1 của nghiên cứu sẽ diễn ra ở Vũ Hán, bao gồm truy tìm "bệnh nhân số 0". Các chuyên gia sẽ phải lục lại mọi ghi chép về những ca bệnh đầu tiên, kiểm tra các mẫu máu xét nghiệm, phỏng vấn bệnh nhân để tìm ra tác nhân gây bệnh, và xác định đâu là chi tiết đã bị bỏ qua.
Các nhà khoa học cũng sẽ phải truy tìm nguồn gốc các loài động vật đến và đi từ khu chợ, lập bản đồ chuỗi cung ứng và một chiến lược để xét nghiệm các mẫu động vật. Trực tiếp phụ trách giai đoạn 1 là các nhà khoa học Trung Quốc, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ kiểm tra lại kết quả, WHO cho biết.
"Một điều cần làm rõ là nghiên cứu sẽ bắt đầu từ Vũ Hán, nơi ca bệnh đầu tiên được tìm thấy, dựa trên thông tin thu được, chúng ta sẽ đi tiếp", Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết.
Truy tìm mắt xích còn thiếu
Những gì cuộc điều tra của WHO thu được sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ thuần khoa học, giáo sư Linfa Wang từ Đại học Quốc gia Singapore nhận xét. Ông Wang là chuyên gia của WHO từng điều tra đợt bùng phát đại dịch SARS ở Trung Quốc 17 năm trước.
"Nghiên cứu như vậy chỉ có thể diễn ra suôn sẻ nếu Trung Quốc tin nhóm chuyên gia không mang theo động cơ chính trị. Các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập thông tin từ rất lâu rồi, vì vậy không dễ để nhóm chuyên gia quốc tế có thể phát hiện điều gì mới", ông Wang nói.
Để lên kế hoạch cho giai đoạn 1, các chuyên gia quốc tế cần hiểu rõ những gì phía Trung Quốc đã phát hiện, WHO cho biết.
Vũ Hán là nơi dịch bệnh lần đầu bùng phát. - Ảnh: SCMP. |
Tới nay, chưa có nhiều thông tin về nghiên cứu của Trung Quốc, liên quan tới các bệnh nhân đầu tiên và động vật nhiễm bệnh, được công bố. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho biết chưa tìm thấy virus corona trên các động vật trung gian tiềm năng.
"Đối với một số chủng virus khác, không khó để tìm ra vật chủ trung gian. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng vẫn không tìm thấy manh mối nào với Covid-19", Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, nói.
Để có thể tìm ra vật chủ trung gian thực sự, các nhà khoa học cần "tìm đúng nơi, đúng lúc", nhà dịch tễ học Peter Daszak, thành viên trong nhóm chuyên gia quốc tế của WHO, nói.
Ông Daszak cho rằng các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã của Trung Quốc là đối tượng điều tra hiển nhiên.
"Ở trang trại với 10.000 con cầy hương hoặc chồn, virus có thể đã xâm nhập từ một năm trước, lây lan, và phát tán đi nơi khác. Sẽ chẳng tìm được bằng chứng nào", ông Daszak nói.
Manh mối từ hang động ở Vân Nam
Manh mối triển vọng nhất có thể giúp hé lộ nguồn gốc virus SARS-CoV-2 được phát hiện năm 2013 tại một hang động ở tỉnh Vân Nam.
Tại đây, các nhà khoa học đã thu thập được vật liệu di truyền từ một virus trên loài dơi. Vật liệu di truyền này có mức độ tương đồng lên đến 96% với gene của chủng virus gây ra Covid-19.
Virus tìm thấy trong hang động ở Vân Nam là họ hàng gần nhất với SARS-CoV-2 được tìm thấy, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách rất xa về mặt tiến hóa.
So với virus gây ra đại dịch SARS năm 2003, virus được tìm thấy ở Vân Nam có tỷ lệ tương đồng về gene là 95%. Tuy nhiên, mức độ này không đủ để kết luận có mối liên hệ giữa hai chủng virus.
Một con dơi từ hang động ở Vân Nam được bắt để lấy mẫu virus. - Ảnh: NZ Herald. |
"Nhiều người hiện phàn nàn việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 quá chậm. Nhưng 17 năm đã trôi qua và chúng ta vẫn chưa tìm ra virus tiền thân đã tiến hóa thành virus gây ra SARS", giáo sư Wang nói.
Theo giám sư Edward Holmes, chuyên gia về sinh học tiến hóa từ Đại học Sydney, hai chủng virus được coi là liên hệ trực tiếp nếu có bộ gene tương đồng 99%.
"Điều này có nghĩa là phải tìm ra đúng nơi virus đã tiến hóa. Ví dụ, phải lấy mẫu vật trên đúng con dơi đó, ở đúng hang động đó, vào đúng thời điểm đó", ông Holmes nói.
Tuy nhiên, càng nhiều dữ liệu di truyền từ các chủng virus corona liên quan được tìm ra, các nhà khoa học càng có nhiều cơ hội thu hẹp khu vực cần nghiên cứu, phó giáo sư Tommy Lam từ Đại học Hong Kong cho biết.
Vị trí các mẫu vật và thông tin di truyền có thể chỉ ra địa điểm virus lần đầu nhảy sang vật chủ trung gian hoặc thậm chí lây cho con người, ông Lam nói.
Cuộc truy tìm "cú nhảy định mệnh"
Đâu là nơi "cú nhảy định mệnh" đã xảy ra giờ không chỉ là câu hỏi về khoa học, nó còn là vấn đề mang tính chính trị.
Các nhà ngoại giao, truyền thông nhà nước, giới khoa học Trung Quốc thời gian qua tìm cách viết lại câu chuyện dịch bệnh theo hướng virus xuất phát từ địa điểm bên ngoài nước này. Đây cũng là cách Bắc Kinh miêu tả hợp tác của Trung Quốc với cuộc điều tra của WHO.
WHO cho biết cần làm rõ khả năng virus lây lan qua thực phẩm, điều dường như làm hài lòng Bắc Kinh khi mới đây các quan chức Trung Quốc tuyên bố tìm thấy virus trên bao bì thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
"Truy tìm nguồn gốc dịch bệnh là quá trình đang diễn ra, có thể liên quan tới nhiều nước. Chúng tôi hy vọng mọi quốc gia có thái độ tích cực, tăng cường hợp tác với WHO", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố hồi tháng 11.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. - Ảnh: Xinhua. |
WHO cho biết cuộc điều tra sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng khoa học, dù kết quả có thế nào đi chăng nữa.
Mới đây, một số bằng chứng bất ngờ được phát hiện, như mẫu máu của một người ở Pháp và Đức thu thập vào tháng 12/2019 cho thấy có dấu vết của virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy có khả năng virus đã lây lan sớm hơn so với những gì được báo cáo.
Tuy nhiên, các manh mối di chuyến thu thập trong nhiều năm về virus trên loài dơi ở nhiều khu vực cho thấy SARS-CoV-2 bắt nguồn từ Trung Quốc, hoặc đâu đó ở Nam Á, các chuyên gia cho biết.
WHO và các chuyên gia nhấn mạnh công chúng cần hết sức kiên nhẫn bởi nhiệm vụ đi tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 có thể mất nhiều thời gian.
"Có thể mất nhiều năm mới tìm ra nguồn gốc dịch bệnh. Thực tế, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, có rất ít virus trên con người chúng ta tìm được chính xác nguồn gốc từ động vật. Lựa chọn duy nhất là tiếp tục tìm kiếm", giáo sư Holmes nói.