Giải thưởng do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức hàng năm. Giải Sách hay 2024 là giải lần thứ 17, cũng như các lần trước, giải chỉ vinh danh tác giả và tác phẩm chứ không có phần thưởng nào khác dù là 1 đồng tượng trưng. Đây có lẽ là giải thưởng đặc biệt dù không có tiền thưởng thật nhiều như giải Nobel hay chỉ 10 euro như giải Goncourt dành cho văn học của Pháp nhưng các tác giả, dịch giả vẫn hoan hỉ đến nhận, trong đó có nhiều tác giả, dịch giả uy tín.
Giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Huỳnh Như Phương phát biểu nhận giải Sách hay 2024 trao cho tác phẩm “Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục” |
Kết quả hạng mục Sách Nghiên cứu được trao cho tác phẩm “Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa” của tác giả Phạm Văn Quang và dịch phẩm “Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều” của tác giả Vargyas Gábor, dịch giả Giáp Thị Minh Trang, hiệu đính Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan.
Hạng mục Sách Giáo dục trao cho GS.TS Huỳnh Như Phương với tác phẩm “Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục” và dịch phẩm “Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai?” của tác giả David N. Perkins, dịch giả Khải Nguyễn.
Hạng mục Sách Kinh tế thuộc về tác phẩm “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” của Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến và dịch phẩm “Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường Tài chính” của Frederic S. Mishkin, dịch giả Phan Trần Trung Dũng.
Hạng mục Sách Quản trị trao cho tác phẩm “Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp” của Tôn Thất Nguyễn Thiêm và dịch phẩm “Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21” của Mustafa Suleyman, Michael Bhaskar, dịch giả Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm, Quỳnh Anh, hiệu đính Đào Trung Thành.
Hạng mục Sách Văn học thuộc về tác phẩm “Nắng thổ tang” của Đinh Phương và dịch phẩm “Ba màn kịch” của Jon Fosse, dịch giả Thiên Nga.
Hạng mục Sách Thiếu nhi trao cho tác phẩm “Đại náo nhà ông ngoại” của Nguyễn Xuân Thủy và dịch phẩm “Chú heo giáng sinh” của J.K. Rowling, dịch giả Mai Ba.
Hạng mục Sách Phát hiện mới trao cho bộ sách 2 cuốn gồm: “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)” của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, dịch giả Thanh Thư và “100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ” của tác giả: Phạm Thị Kiều Ly.