Giáo viên Trung Quốc 'ngộp thở' vì zero-COVID

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trung Quốc ngày càng lo ngại về sự gia tăng đột biến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh. Nhưng chiến lược chống dịch "zero-COVID" cũng đang khiến nhiều giáo viên rơi vào tình trạng bất ổn.
Giáo viên Trung Quốc 'ngộp thở' vì zero-COVID

Khi Yu chuyển đến thành phố Hàng Châu (Chiết Giang) để bắt đầu công việc giảng dạy vào năm 2021, trong tâm trí cô tràn ngập hy vọng và các ý tưởng. Cô sinh viên mới tốt nghiệp ngành sư phạm đã quyết tâm giáo dục thật tốt thế hệ tiếp theo và coi mọi học sinh như những người bạn.

Thế nhưng "tuần trăng mật" này không kéo dài lâu. Trong vòng vài tuần, Yu phải vật lộn với công việc mới. Cô có 80 học sinh để giảng dạy, một chương trình giảng dạy cứng, tuân theo định hướng thi cử và áp lực đảm bảo điểm số cho học sinh. Yu dần mắc chứng lo âu.

“Tôi cảm thấy mình như một cái máy và các học sinh là những khuôn mẫu. Trong năm đầu tiên đi làm, ngày nào tôi cũng khóc. Có rất nhiều thứ tôi không thể thích nghi được", Yu tâm sự.

Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu trực thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ước tính rằng gần 25% thanh thiếu niên của nước này đang sống chung với một số dạng trầm cảm - một phát hiện gây ra làn sóng cải cách nhằm cải thiện các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, giáo viên cũng là một đối tượng gặp các vấn đề tương tự nhưng ít được nhận sự quan tâm. Nhiều giáo viên Trung Quốc đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn, khi các trường học và phụ huynh tạo áp lực không ngừng nhằm nâng cao điểm số của học sinh trong các kỳ thi quốc gia. Nhưng mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều trong đại dịch.

Giáo viên Trung Quốc 'ngộp thở' vì zero-COVID ảnh 1

Việc phải đảm bảo kết quả giảng dạy và áp lực chống dịch trong nhà trường khiến nhiều giáo viên Trung Quốc căng thẳng. Ảnh: VCG

Giống như những quốc gia khác, việc giảng dạy trực tuyến khiến mức độ căng thẳng của giáo viên tăng vọt ở Trung Quốc. Nhưng không giống như hầu hết các quốc gia, các quy định chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc chưa hề kết thúc. Nước này đã bước sang năm học thứ ba áp đặt chiến lược "zero-COVID".

Trong khi đó, chiến dịch loại bỏ hoạt động học thêm đã khiến công việc của giáo viên trở nên khó khăn hơn trong năm nay. Trước đây, hàng triệu phụ huynh đã trả tiền cho gia sư để giúp con cái họ vượt qua các kỳ thi. Giờ đây, các gia sư đã biến mất, nhưng phụ huynh và nhà trường vẫn mong học sinh đạt được kết quả tương đương mọi năm. Đối với giáo viên, điều này có nghĩa là nhiều công việc hơn, nhiều áp lực hơn và ít thời gian nghỉ hơn.

Nhiều giáo viên không thể giải quyết được căng thẳng của bản thân. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy hơn 75% giáo viên Trung Quốc mắc chứng lo âu từ mức độ trung bình đến nặng, trong khi 34,4% giáo viên tiểu học và 28,3% giáo viên trung học cơ sở có nguy cơ cao bị trầm cảm.

Vấn đề này đã trở nên rất phổ biến, nó thậm chí còn được đề cập trong các cuộc học của cấp cao của chính phủ, trong đó các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng giáo viên “mệt mỏi hơn” và “lo lắng hơn trước”.

Hầu hết các giáo viên than phiền rằng họ đang phải làm việc gấp đôi bình thường do tác động của "zero-COVID" và chiến dịch loại bỏ học thêm, kết quả là không ít người mắc chứng lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, các trường học lại bỏ qua việc cải thiện đời sống tinh thần cho giáo viên mà chỉ tập trung vào các nhóm học sinh.

Nhiều giáo viên phải tự giải quyết vấn đề của mình, bởi văn hóa Trung Quốc có quan niệm rằng giáo viên phải hy sinh và cống hiến không ngừng. Liu Shengnan, phó giáo sư tại một trường đại học chuyên về giáo dục ở Thượng Hải, cho biết các giáo viên ít có cơ hội được giúp đỡ cải thiện các triệu chứng bệnh lý tâm thần.

Đối với Yu, nguồn gốc căng thẳng chính là kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, hay còn gọi là cao khảo. Như mọi năm, để chuẩn bị cho cao khảo, cả giáo viên và học sinh phải nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ trong nhiều tháng, đây là nguồn cơn tích tụ sự căng thẳng và mệt mỏi đối với giáo viên cũng như học sinh.

Yu làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối vào các ngày trong tuần, và cũng có các lớp học vào thứ Bảy. Đà thăng tiến của cô phụ thuộc vào điểm số của học sinh, vì chất lượng giáo viên và trường học ở Trung Quốc được đánh giá gần như hoàn toàn dựa trên kết quả cao khảo.

“Kết quả từ các kỳ cao khảo sẽ ảnh hưởng đến số lượng học sinh đăng ký vào trường trung học của tôi. Lãnh đạo nhà trường rất chú trọng đến điểm số và thứ hạng của học sinh cuối cấp”, Yu chỉ ra.

Những lớp học năm cuối thường bị nhà trường theo dõi sát sao. Yu cảm thấy ngộp thở mỗi lần lãnh đạo trường mở cửa lớp học để kiểm tra mà không báo trước, họ cũng chất vấn kế hoạch giảng dạy của Yu một cách ngẫu nhiên và hỏi học sinh xem bài tập về nhà được chấm điểm như thế nào.

“Nếu chúng tôi không dạy hoặc không đạt kết quả tốt, chúng tôi sẽ bị đình chỉ dạy hoặc chuyển sang dạy lớp 10. Điều này thực sự có thể gây ra tổn thương tâm lý lớn cho giáo viên", nữ giáo viên trẻ cho biết.

Dù tạo ra áp lực, nhưng nhà trường hầu như không làm gì để giúp giáo viên đối phó với căng thẳng như cung cấp các hoạt động hoặc hướng dẫn liên quan đến sức khỏe tâm thần. Yu thường cảm thấy rằng cô không được đối xử như một người đáng được chăm sóc.

“Tôi giống như một công cụ", Yu nói về bản thân.

Giáo viên Trung Quốc 'ngộp thở' vì zero-COVID ảnh 2

Nhiều giáo viên dù mắc các chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm nhưng không dám thừa nhận do lo sợ mất việc. Ảnh: VCG

Xu Hanping, giáo viên tâm lý tại một trường tiểu học ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), đã dành nhiều năm làm việc về sức khỏe tâm thần ở các trường học, cố gắng thuyết phục các hiệu trưởng xem xét vấn đề nghiêm túc hơn. Ông nói rằng văn hóa trọng thành tích vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.

“Trong những trường hợp này, cả học sinh và giáo viên đều trở thành nạn nhân của nền giáo dục định hướng thi cử", ông Xu chỉ ra.

Theo ông Xu, các giáo viên ở Trung Quốc thường cảm thấy rằng công việc của họ bị đánh giá thấp, không có quan hệ gần gũi với hiệu trưởng, đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh. Nhưng một số yếu tố văn hóa có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với các giáo viên Trung Quốc.

Văn hóa Trung Quốc quan niệm rằng việc giáo viên là "kỹ sư tâm hồn" và nghề giáo là “nghề nghiệp vinh quang nhất dưới ánh mặt trời”.

"Nhiều giáo viên bị 'trói buộc' bởi những giá trị này. Chúng ngụ ý rằng các giáo viên chỉ có thể đốt cháy bản thân và soi sáng cho những người khác, họ chỉ có thể hy sinh mà không đòi hỏi gì được đáp lại. Họ cũng cần được chăm sóc về đời sống và tình cảm", ông Xu khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia, việc giảng dạy trực tuyến trong thời kỳ này đã gây ra sự gián đoạn lớn, các giáo viên nhận thấy rằng không thể duy trì chất lượng giáo dục như cũ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thường từ chối thừa nhận những khó khăn này, bất cứ khi nào con họ có điểm kém, họ đổ lỗi cho nhà trường và nhà trường đổ lỗi cho giáo viên.

“Thật bất công cho các giáo viên", ông Xu nói. "Họ thực sự hy sinh nhiều hơn trong quá trình giảng dạy trực tuyến, nhưng vẫn nhận được những lời chỉ trích không công bằng từ các nhà lãnh đạo của họ."

Hầu hết các trường học Trung Quốc hiện đang tiếp tục dạy học trên lớp - mặc dù nhiều khu vực vẫn bị phong tỏa, nhưng chiến lược chống dịch nghiêm ngặt tiếp tục chi phối đời sống học đường.

Zhou, một giáo viên trung học 26 tuổi ở Thượng Hải, cho biết cô phải kiểm tra mã số sức khỏe của học sinh hầu như mỗi ngày. Nhân viên nhà trường cũng chịu trách nhiệm cho học sinh làm xét nghiệm PCR và thường xuyên có các cuộc họp để thảo luận về các biện pháp chống dịch.

Cách đó khoảng 2.000 km ở tỉnh Vân Nam, Liu - một giáo viên dạy Tiếng Anh, cho biết cô cảm thấy kiệt sức vì các quy địch chống dịch trong nhà trường.

Liu hiện đang làm việc tại một trường nội trú. Mỗi tuần, cô phải dạy 14 lớp học và giám sát hai buổi “tự học” vào buổi tối. Liu chỉ kết thúc công việc cho đến khi học sinh trở về ký túc xá vào lúc 10:50 tối.

“Việc nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dịch bệnh đã chiếm hết thời gian nghỉ ngơi của các giáo viên. Thêm vào đó, tất cả giáo viên và học sinh đều bị nhốt trong trường ngay cả trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông", Liu than vãn.

Tệ hơn nữa, tiền lương của Liu và các đồng nghiệp cũng không được đảm bảo do tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế.

Tâm trạng bất ổn đang ảnh hưởng đến việc giảng dạy của Liu. Chịu đựng áp lực trong thời gian dài khiến cô khó kìm nén cảm xúc tiêu cực trên lớp. Cô cố gắng giao nhiệm vụ cho học sinh hoặc yêu cầu đọc thuộc lòng một văn bản khi cô ấy cảm thấy chán nản.

"Tốt nhất là tôi tiếp tục giả vờ mỉm cười", Liu nói. "Nhưng tôi không thể đưa ra một bài giảng đầy nhiệt huyết."

Chen Zhiyan, giáo sư tại Viện Tâm lý học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: Giáo viên phải đối mặt với nguy cơ kiệt sức vì họ có xu hướng quan tâm một cách say mê đến công việc của mình.

“Một giáo viên có thể giữ những lý tưởng nghề nghiệp cao cả và muốn ảnh hưởng đến thế hệ sau. Tuy nhiên, nếu thực tế công việc và kết quả không như họ mong đợi, họ thường khó thích nghi với sự khác biệt này, giáo sư Chen nói. “Khi đó, họ sẽ gặp một số vấn đề về cảm xúc và nghi ngờ giá trị công việc của mình”.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của giáo viên, điều trị cả nguyên nhân “hướng nội và hướng ngoại”. Một mặt, nhà trường và xã hội cần giảm áp lực không cần thiết lên giáo viên, hỗ trợ nhiều hơn và bảo vệ quyền lợi của họ. Mặt khác, giáo viên nên nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần của họ và phát triển các kỹ năng chuyên môn để giúp họ đối phó dễ dàng hơn.

Giáo dục sức khỏe tâm thần sẽ đặc biệt quan trọng. Zheng Wei, 52 tuổi, bắt đầu làm giáo viên hóa học ở tỉnh Giang Tô vào năm 1993. Trong quá khứ, ít học sinh mắc các vấn đề tâm thần, nhưng ngày nay số lượng học sinh gặp khó khăn ngày càng tăng. Điều này cũng gây lo lắng cho các giáo viên.

“Chúng tôi không biết phải ứng xử như thế nào. Nếu không xử lý dứt điểm, dẫn đến sự việc nặng nề thì giáo viên sẽ phải chịu áp lực rất lớn”, Zheng nói.

Vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn chịu sự kỳ thị ở nhiều vùng của Trung Quốc. Mặc dù quan điểm của xã hội đang thay đổi, nhiều giáo viên vẫn sợ hãi thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn.

Zhou, giáo viên trung học cơ sở ở Thượng Hải, nói rằng trường của cô “rất quan tâm” đến tình trạng tinh thần của nhân viên. Lãnh đạo trường tổ chức các buổi chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên, và tổ chức các buổi trò chuyện để giúp họ giải tỏa tâm lý.

“Không khí trong trường của chúng tôi rất tốt. Có rất nhiều giáo viên và đồng nghiệp trẻ giúp đỡ lẫn nhau", Zhou nói, nhưng thừa nhận cô sẽ không dám kể cho ai nếu mình mắc chứng rối loạn lo âu hay trầm cảm. Nói ra sự thật đồng nghĩa với việc sự nghiệp của cô sẽ bị đặt dấu hỏi.

“Tôi không biết liệu trường có thể chấp nhận một người bị chứng lo âu hoặc trầm cảm hay không", Zhou giải thích.

Theo Sixth Tone
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.