Trong tuyên bố chung, cựu Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin và cựu Thứ trưởng Y tế Ong Kian Ming cho rằng ứng dụng My Sejahtera có thể giúp nhà chức trách nắm được biến động cũng như kiểm soát được tình hình của các bệnh nhân mắc COVID-19. Hai ông đề xuất Bộ Y tế Malaysia triển khai nhóm phân tích dữ liệu về số ca mắc mới, giúp dự đoán khu vực bùng phát dịch, trong khi các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận số liệu công khai, sử dụng cho những phân tích, đánh giá khoa học.
Ông Khairy cho rằng bộ nên tái công bố quy trình tiêu chuẩn bắt buộc gồm 5 bước: xét nghiệm, báo cáo, cách ly, cung cấp thông tin và phương pháp điều trị. Cựu Bộ trưởng Y tế Malaysia coi đây là bước đi hết sức quan trọng để ngăn chặn từ sớm làn sóng lây nhiễm và có thời gian để chuẩn bị mọi cơ sở vật chất trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới COVID-19. Bên cạnh đó, bộ cũng cần đề xuất mũi tiêm tăng cường cho các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi hoặc có nguy cơ cao, vốn có hệ miễn dịch yếu, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để đặt hàng lô vaccine mới nhất trên thị trường.
Ngoài ra, theo hai cựu quan chức y tế này, Bộ Y tế Malaysia nên tái khởi động Chương trình Tiêm chủng Quốc gia với sự phối hợp giữa các phòng khám tư và bệnh viện công, phối hợp truy vết trong các nhà máy. Ông Khairy nhấn mạnh một trong những yếu tố gây ra cụm lây nhiễm trong nhà máy là điều kiện sống chật chội của nhiều công nhân nước ngoài và nơi ở thường không có hệ thống thông gió. Bộ Y tế Malaysia cũng cần cân nhắc công khai số liệu ca tử vong do mắc COVID-19 hằng ngày để nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm của biến chủng mới và khuyến khích người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Hai chuyên gia y tế cho rằng dù số ca mắc COVID-19 tăng cao gần đây được cho là bùng phát tạm thời, tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm chống dịch trước đây, vẫn cần thận trọng và có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người dân.