“Cơn địa chấn” với những bước tiến thần tốc
Ngày 14/4/2023, những chiếc taxi điện thương hiệu Xanh SM đồng loạt “đổ bộ” đường phố Hà Nội, đánh dấu sự gia nhập chính thức của GSM vào thị trường taxi quy mô hơn 440 triệu USD (theo số liệu năm 2020 của Mordor Intelligence). Đáng nói, hãng taxi thuần điện trị giá nghìn tỷ do tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư đi vào vận hành sau thời gian chuẩn bị ngắn kỷ lục, chỉ 38 ngày.
Ngay trong ngày ra mắt, ứng dụng Taxi Xanh SM đã đạt 100.000 lượt tải, và “leo” lên Top 1 travel và Top 2 toàn mạng của bảng xếp hạng Apple Store chỉ trong vài tiếng. Màn chào sân ấn tượng mở ra hy vọng chiếm lĩnh thị phần gọi xe tại Việt Nam khi “taxi ông Vượng” được đông đảo người dùng đón nhận.
“Cơn địa chấn” màu Cyan tiếp tục lan đến TP.HCM vào ngày 27/4. Cột mốc mới của GSM được ghi nhận với những con số vô tiền khoáng hậu: 1.700 nhân viên đã được tuyển dụng và làm việc trong 51 ngày, 400.000 người tải app trong 2 tuần, 300.000 các cuộc thảo luận trên truyền thông…
Thừa thắng xông lên, Xanh SM liên tiếp “đổ bộ” Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Những bước đi thần tốc này nằm trong chiến lược “phủ xanh” 27/63 tỉnh, thành ngay trong năm 2023 của GSM. Cùng với đó, quy mô đội xe của taxi Xanh SM cũng dự kiến tăng lên 30.000 ngay trong năm đầu tiên hoạt động.
Vị thế của taxi Xanh SM ngày càng rõ nét khi cán mốc 6 triệu khách hàng chỉ sau 5 tháng “trình làng”. Tốc độ tăng trưởng hiếm có một lần nữa minh chứng cho tiềm năng khủng của tân binh GSM.
GSM còn nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực gọi xe 2 bánh khi ra mắt Xanh SM Bike ngày 14/8/2023 tại Hà Nội. Đây là bước đi khởi đầu cho kế hoạch “phủ sóng” 5 tỉnh, thành trong năm 2023 của dịch vụ này với số lượng lên đến 90.000 xe.
“Tham chiến” phân khúc gọi xe 2 bánh trong bối cảnh thị trường gần như đã nằm trọn trong tay của những “ngoại binh” như Grab, Gojek, tuy nhiên GSM đã thể hiện sự ngang cơ khi lập kỷ lục 1 triệu khách hàng chỉ sau 1 tháng.
Đặc biệt, bản lĩnh nghĩ lớn, làm nhanh của “taxi ông Vượng” càng được khẳng định với bước đi táo bạo - tiến quân ra Đông Nam Á. Ngày 13/10, lô 150 chiếc taxi màu xanh Cyan chính thức được nhập khẩu vào Lào, khởi đầu cho hành trình chinh phục thế giới của GSM.
Kỳ vọng định hình lại thị trường gọi xe khu vực Đông Nam Á
Trên thực tế, chiến lược quốc tế hóa đã được GSM thai nghén ngay từ những ngày đầu thành lập. Chia sẻ với báo chí hồi tháng 5/2023, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM, tiết lộ nền tảng gọi xe do tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư sẽ sớm hiện diện tại Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia và Singapore.
Theo Blackbox, hãng nghiên cứu các xu hướng toàn cầu có trụ sở tại Singapore, đến năm 2022, Grab đang thống trị thị trường gọi xe ASEAN khi chiếm thị phần tuyệt đối 75%, vượt xa á quân Gojek với chỉ 13%.
Trước khi GSM ra đời, Grab thống trị thị trường gọi xe tại ASEAN (Nguồn: Blackbox) |
Là người đi sau song cơ hội của GSM không phải là ít. Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn nhận định, GSM có ít nhất 4 lợi thế để trở thành một “kẻ thách thức” trên thị trường vận tải hành khách Đông Nam Á.
Trước tiên, GSM chọn đúng thời điểm vàng để “xuất ngoại” khi thị trường gọi xe tại ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, đến năm 2028, riêng thị trường taxi ASEAN đã đạt 30,23 tỷ USD, tăng mạnh so với quy mô 21,14 tỷ USD hiện tại.
Trong khi đó, theo Blackbox, dịch vụ gọi xe đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ở Đông Nam Á. Hơn một nửa số người được hỏi (53%) đã sử dụng các ứng dụng gọi xe trong thời gian khảo sát. Nhu cầu gọi xe trong khu vực càng tăng mạnh những năm gần đây khi Covid-19 làm thay đổi thói quen di chuyển cũng như cách thức làm việc, tổ chức cuộc sống của đại bộ phận người dân.
“Dư địa thị trường cho những người chơi mới như GSM là rất lớn. Đặc biệt, việc GSM chọn Lào là điểm đến đầu tiên khi ra quốc tế là rất khôn ngoan bởi quốc gia hơn 7 triệu dân này hiện mới chỉ có duy nhất một nền tảng gọi xe nội địa. Chinh phục thành công thị trường Lào sẽ tạo thêm tiếng vang cho GSM ở quốc tế”, chuyên gia Vũ Tuấn Anh đánh giá.
Thứ hai, trong cuộc “viễn chinh” này, GSM có một lợi thế độc quyền khi là hãng gọi xe thuần điện duy nhất trong khu vực. Nghiên cứu do Mordor Intelligence công bố cuối năm 2022 cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất cho taxi điện. GSM sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhóm khách hàng cấp tiến, theo đuổi lối sống xanh.
“Các dịch vụ của GSM còn dễ chiếm trọn cảm tình của người dùng chất lượng dịch vụ 5 sao hiếm có trên thị trường”, vị chuyên gia bổ sung.
Lô xe Xanh SM đầu tiên chờ làm thủ tục thông quan tại Lào. |
Cũng theo vị chuyên gia, GSM còn hưởng lợi rất lớn từ “người anh em” VinFast - hãng xe điện toàn cầu duy nhất của Đông Nam Á do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập. Nhờ uy tín và vị thế quốc tế của VinFast, GSM sẽ nhanh chóng trở thành biểu tượng di chuyển văn minh, thân thiện môi trường ở những thị trường mới.
“GSM có thể kiểm soát tốt dịch vụ nhờ việc chủ động được nguồn phương tiện chất lượng cao từ nhà cung cấp VinFast. Điều này các hãng gọi xe khác không thể làm được do họ phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện của các đối tác tài xế”, ông Vũ Tuấn Anh phân tích.
Lợi thế thứ tư của GSM, theo vị chuyên gia, chính là tiềm lực tài chính cùng điểm tựa vững chắc từ nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng - một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á.
“Nhanh như Grab cũng phải mất 2 năm mới ra được quốc tế, nên việc GSM xuất ngoại chỉ sau 6 tháng ra mắt có thể coi là một kỷ lục. Nền tảng tài chính sẽ tiếp tục là một bàn đạp giúp GSM có được những bước tiến thần tốc và sự tăng trưởng đột phá”, chuyên gia Tuấn Anh nhận định.
Xuất ngoại khi những đối thủ như Grab hay Gojek đã tạo được thành lũy vững chắc ở thị trường khu vực, GSM đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá với tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh táo bạo, “mã gen” thần tốc cùng hàng loạt lợi thế vượt trội, GSM được kỳ vọng sẽ định hình lại thị trường gọi xe trong khu vực. Đây cũng là bệ phóng để GSM vươn mình trở thành start-up gọi xe quốc tế với quy mô toàn cầu.