Ủy ban An toàn Hà Lan, cơ quan điều tra thảm họa MH17, ngày 13/10, công bố báo cáo điều tra cuối cùng cho biết phi cơ của Malaysia bị bắn rơi bởi một tên lửa Buk.
MH17 bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không Buk, Guardian dẫn lời Tjibbe Joustra, người đứng đầu Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB), cho biết. Tên lửa được phóng từ một khu vực rộng 320 km2. Phi cơ của Malaysia Airlines vỡ tung sau va chạm, mảnh vỡ rơi xuống khu vực rộng 50 km2.
Mảnh vỡ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines |
Theo ông Joustra, ba thành viên tổ bay trong buồng lái thiệt mạng ngay khi trúng tên lửa. Những vật thể "năng lượng cao" được tìm thấy trên thi thể các thành viên trong khoang. Một số có vệt màu giống với đầu đạn tên lửa Buk. Quá trình điều tra loại bỏ khả năng có bom trên máy bay, bị tấn công không đối không và bị trúng thiên thạch.
Tuy nhiên, cùng ngày Almaz-Altey, nhà sản xuất hệ thống Buk của Nga, vừa cho công bố kết quả điều tra thảm kịch MH17 của riêng mình, trong đó bác bỏ những kết luận trước đó của các nhà điều tra Hà Lan.
"Các kết quả thí nghiệm (lần gần đây) đã bác bỏ hoàn toàn kết luận của ủy ban điều tra Hà Lan về loại tên lửa và vị trí của vụ phóng được cho là thủ phạm gây ra thảm kịch MH17", Ian Novikov - Giám đốc điều hành Almaz-Altey cho biết.
Almaz-Altey đã sử dụng tên lửa IL-86, Buk 9M38M1 trong hai cuộc thử nghiệm gần đây để tái hiện lại thảm kịch MH17 trong phòng thí nghiệm.
Theo đó, cả hai thí nghiệm cho một kết quả giống hệt nhau rằng chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã trúng một tên lửa SAM Buk, nghĩa là tên lửa loại Buk 9M38, phiên bản cũ của Buk 9M38M1 và không phải là loại tên lửa thương mại của Nga. Liên Xô đã ngừng sản xuất Buk 9M38 từ năm 1986 và thời hạn hết hạn sử dụng của những tên lửa đã sản xuất trước đó là 25 năm. Sau thời hạn này, việc sử dụng loại tên lửa như vậy sẽ bị cấm và phải ngừng hoạt động, RT cho biết thêm.
Mảnh vỡ MH17 được trưng bày trong buổi công bố báo cáo cuối cùng về thảm họa này |
Ngoài ra, hãng sản xuất vũ khí Nga bác bỏ các cáo buộc trước đó của phương Tây đồng thời khẳng định rằng hãng này không liên quan tới vụ MH17 bị bắn rơi tại Ukraine hồi năm ngoái, phản đối việc phương Tây đưa công ty này vào danh sách trừng phạt do liên quan tới vụ việc trên.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra xác định bên chịu trách nhiệm bắn rơi MH17. Ukraine tiếp tục nhắc lại cáo buộc phe ly khai là thủ phạm. Phó thủ tướng Ukraine Hennandiy Zubko nói tên lửa được phóng từ khu vực phe ly khai kiểm soát.
Nhà Trắng gọi báo cáo cuối cùng của DSB là "cột mốc quan trọng trong nỗ lực đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý". Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời một thứ trưởng ngoại giao Nga nói báo cáo này "không khách quan".
Anh Phương (T/h theo VNE, Dân trí, Vietnam+)
>>> Xem thêm:
- Hôm nay (13/10) công bố báo cáo cuối cùng về thảm họa MH17
- Phát hiện tình tiết MH17 mới: Tìm thấy mảnh vỡ nghi của tên lửa BUK do Nga chế tạo
- Thảm kịch máy bay MH17: Những dấu mốc sau một năm kinh hoàng