Hà Nội: Bát nháo dịch vụ phun thuốc muỗi phòng sốt xuất huyết

(Ngày Nay) - Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang tiếp tục tăng chóng mặt. Theo thống kê của Sở Y tế TP.Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần qua, đã ghi nhận 2.300 ca mắc mới và một người tử vong. Trước sự bùng phát bệnh dịch này, không ít người dân đã nóng lòng phun thuốc muỗi thay vì đợi lực lượng chức năng tổ chức phun theo khu vực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Ngọc Anh - ngụ tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, Q.Cầu Giấy - sau khi gọi dịch vụ và nghe báo tiền phun thuốc lên tới 2 triệu đồng, đã quyết định tự mua thuốc muỗi để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên sau khi phun, con trai chị bỗng bị mẩn đỏ và ngứa nhẹ. Đặc biệt, chỉ vài ngày sau, muỗi tiếp tục quay trở lại như bình thường.

Tại Q.Hà Đông, có không ít đối tượng tới gõ cửa từng gia đình mời phun thuốc diệt muỗi. Anh Lê Tùng ở P.Văn Phú, Q.Hà Đông cho hay, khu phố nhà anh có đặt thuê chung một đơn vị phun thuốc muỗi với giá khoảng hơn 1 triệu đồng/hộ.

Vào thời điểm đã hẹn, có hai thanh niên bấm chuông nói tới phun thuốc muỗi, nhưng khi phun gần hết diện tích nhà, anh Tùng mới tá hỏa phát hiện đây không phải là người thuộc cơ sở đã đặt mà chỉ là những đối tượng “vãng lai”, thường xuyên đem theo bình phun để chào mời cư dân ở khu vực này.

Anh Tùng cho biết, thuốc họ đã pha sẵn nên anh không biết đó là loại gì và do đã phun một lượt nên cũng không thể gọi cơ sở khác đến phun tiếp.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hà Nội, thời gian qua, lực lượng chức năng đang ưu tiên phun thuốc ở các khu vực xảy ra ổ dịch. Tại những khu vực khác, người dân không nên tự ý phun tiêu vì nếu không đúng chủng loại, kỹ thuật thì “lợi bất cập hại”.

Cụ thể, hiện chỉ có ba loại hóa chất diệt muỗi được lưu hành gồm deltamethrine, permethrine và malathion. Khi phun hóa chất, phải có máy chuyên dụng và tỷ lệ pha hợp lý. Bởi nếu liều lượng pha không đúng, có thể vô tình làm muỗi kháng thuốc, tăng sức chịu đựng với hóa chất.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cũng nhấn mạnh, muỗi truyền SXH có thể đậu khắp nơi nên nhất thiết phải sử dụng tới máy chuyên dụng, phun thuốc dưới dạng khí dung, tạo ra không gian sương mù để tiêu diệt muỗi đang mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, sau hai ngày, phải tiếp tục phun lần hai để diệt trừ muỗi mang mầm bệnh mới sinh sôi.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, hoạt động phun thuốc này là hoàn toàn miễn phí. Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải diệt tận gốc nơi muỗi sinh sản, diệt trừ bọ gậy bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay rửa lu chứa nước thường xuyên, thả các loại cá ăn bọ gậy…

Việc phun thuốc muỗi chỉ là một hoạt động và yêu cầu đồng bộ; nếu chỉ một gia đình phun thuốc thì không có tác dụng vì muỗi truyền bệnh SXH có thể bay từ các khu vực xung quanh đến và tiếp tục phát triển.

Theo Phụ nữ HCM

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.