Học sinh chạy nước rút
Càng sát những ngày thi, lịch học của Đỗ Xuân Sơn, học sinh Trường THCS Trưng Nhị, càng dày hơn. Học ngày, cày đêm, và chỉ dám đăng ký vào những trường tốp dưới của khu vực, nhưng Sơn vẫn không dám chắc mình có thể chen được chân vào cánh cổng trường công.
Theo phân tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sơn được lựa chọn 5 trường. Tự lượng sức học của mình, Sơn xem các trường THPT Việt Đức, Thăng Long hay Trần Phú là “kính nhi viễn chi” vì điểm chuẩn hàng năm quá cao. Để an toàn hơn, em đăng ký vào hai trường THPT Đoàn kết-Hai Bà Trưng và THPT Trần Nhân Tông.
Tuy nhiên, đây cũng là sự lựa chọn với tính toán an toàn của rất nhiều thí sinh có lực học ở mức khá như Sơn. Vì thế, tỷ lệ chọi của hai trường này ở mức khá cao. Nếu chỉ tính riêng nguyện vọng một, tỷ lệ này là 1/1,4. Nếu tính cả nguyện vọng hai thì con số này còn lớn hơn rất nhiều. Trường THPT Trần Nhân Tông tuyển 675 chỉ tiêu nhưng có tới gần 2.500 học sinh đăng ký. Con số này ở trường THPT Đoàn kết-Hai Bà Trưng là trên 3.800 nguyện vọng dự tuyển, cạnh tranh 720 chỉ tiêu.
“Hai trường này là lựa chọn phù hợp nhất với em vì mọi năm điểm chuẩn không cao, nhưng cũng rất khó khăn. Nếu không đỗ, em sẽ phải học trường tư hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên”, Sơn chia sẻ.
Giống như Sơn, để có thể đỗ vào lớp 10 trường công, Tô Đăng, cậu học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Quyền cũng phải đặt rất nhiều quyết tâm, với rất nhiều nỗ lực. “Em đặt quyết tâm cao nhất cho kỳ thi. Em lo nhất là môn Ngữ văn vì kiến thức khá nhiều”, Đăng chia sẻ.
Đăng cho biết, ở trường THCS Ngô Quyền, em được các thầy cô cho thi thử nhưng đề thi rất khó, điểm thi của đa số học sinh đều thấp. Vì thế, Đăng và các bạn khá lo lắng, càng phải ra sức ôn tập nhiều hơn để chinh phục kỳ thi chính thức đã cận kề.
Phụ huynh “nín thở”
Lo lắng, căng thẳng không chỉ là tâm trạng của các thí sinh mà còn của cả các phụ huynh. Chị Vũ Bích Hường, mẹ của em Đỗ Xuân Sơn chia sẻ, con thi vào lớp 10 nhưng cả gia đình cùng áp lực. Con thức khuya, dậy sớm học bài. Bố mẹ cũng liên tục theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, hồi hộp chờ xem tỷ lệ chọi, và “nín thở” chờ tới ngày con thi.
“Trong cụm của con tôi, hai trường con đăng ký là trường có điểm đầu vào thấp nhất. Nếu con không đỗ vào trường đó thì cũng không biết học trường nào nữa. Trường ngoài công lập lại vượt quá khả năng của gia đình. Giáo dục thường xuyên thì sợ môi trường không tốt. Còn cho con học nghề thì không phụ huynh nào mong muốn”, chị Hường chia sẻ.
Đây cũng là tâm trạng của chị Nguyễn Thanh Thủy, ở Giảng Võ, Hà Nội. Với sức học vừa phải, con chị đăng ký vào Trường THPT Nguyễn Trãi, là trường có điểm chuẩn hàng năm không quá cao. Tuy nhiên, chị vẫn đứng ngồi không yên, ngày đêm thấp thỏm.
“Tôi chỉ biết động viên con, chăm lo cho con ăn uống đầy đủ, đảm bảo sức khỏe để có thể thi tốt. Cả nhà cũng chưa biết tính thế nào nếu lỡ con thi trượt”, chị Thủy lo lắng nói.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, toàn thành phố có gần 86.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Nhưng với cơ sở vật chất và chủ trương phân luồng của thành phố, chỉ khoảng 66% học sinh có chỗ học trong các trường công, bao gồm cả các trường công tự chủ tài chính với mức học phí cao hơn. 34% còn lại được phân luồng sang trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, áp lực căng thẳng trong cuộc đua vào lớp 10 trường công ở Thủ đô cho thấy công tác phân luồng sau trung học cơ sở vẫn còn bất cập. Phụ huynh vẫn có tâm lý con phải học hết trung học phổ thông mới có thể học nghề và đi làm, trong khi theo định hướng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh học hết trung học cơ sở hoàn toàn có thể đi học nghề.
Đây cũng là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Linh. Ông Linh cho rằng, để giúp thay đổi nhận thức của phụ huynh và cả học sinh, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, hướng nghiệp. Bản thân các trường nghề cũng phải nỗ lực trong đào tạo, để chứng minh cho phụ huynh và học sinh thấy nếu học nghề ngay sau khi kết thúc lớp 9, không học THPT, các em vẫn có thể kiếm được việc làm với thu nhập tốt, có cơ hội phát triển và thăng tiến trong tương lai, đồng thời tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
“Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước cùng vào cuộc để làm tốt và rõ ràng hơn về chính sách đào tạo liên thông, đào tạo và học tập suốt đời” ông Linh nói.