Chiều 13/3, tại Hội nghị thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thông tin về công tác bảo vệ môi trường Thủ đô, ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết, năm 2017 các cơ quan quản lý về môi trường thành phố đã kiểm tra, thanh tra 2.161 cơ sơ, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng, trong đó Công an thành phố thanh, kiểm tra lập hồ sơ đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt hành chính 176 vụ.
Theo ông Định kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp. Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường, Sở TN-MT xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này. Một trong các điểm đen là lưu vực sông Đáy, Tô Lịch…
Lãnh đạo Sở TN –MT thông tin, Hà Nội mỗi ngày hàng chục nghìn hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong thải ra 2.000 tấn khí CO2. Hà Nội dự kiến vận động người dân đến năm 2019 loại bỏ bếp than tổ ong thay thế bằng bếp cải tiến sử dụng nhiên liệu tự nhiên, nhiên liệu qua xử lý không gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo Sở TN-MT cho biết Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc tự động không khí và 1 xe quan trắc không khí tư động, với việc trồng cây xanh, di dời cơ sở sản xuẩt ô nhiễm…, hiện môi trường không khí các thông số các trạm quan trắc đo được ô nhiễm không khí đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, Hà Nội đang rất khó khăn trong việc đưa ra các giải pháp chống ô nhiễm môi trường không khí, hồ nước và rác thải rắn vì thế rất quan tâm tìm kiếm sự hợp tác với các nước có kinh nghiệm và trình độ cao trong việc xử lý ô nhiễm./.
Theo VOV.vn