Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn tại Hội nghị trực tuyến tổng kết triển khai Kế hoạch tổng rà soát, điều tra về Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn.
Theo đó, ông Lê Hồng Sơn biểu dương và đánh giá cao Công an TP Hà Nội đã quyết liệt trong công tác tham mưu cho Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện đợt tổng rà soát, kiểm tra; chỉ trong 2 tháng, các đơn vị đã hoàn thành trước thời hạn quy định 100% chỉ tiêu. Đồng thời quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo về PCCC đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.
Thời gian tới, ông Sơn đề nghị các đơn vị bám sát chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Đồng thời, ông Sơn yêu cầu các đơn vị bám sát chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về PCCC; nhân rộng các mô hình về PCCC đã thí điểm triển khai có hiệu quả trong năm qua; tập trung xây dựng lực lượng dân phòng cả về lực lượng và trang bị phương tiện để đáp ứng yêu cầu "4 tại chỗ".
Ông Sơn lưu ý, công tác tuyên truyền cần hướng đến mục tiêu từng gia đình đều được trang bị phương tiện PCCC, từng thành viên đều được tập huấn về PCCC&CNCH. Sở Xây dựng Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND Thành phố về biện pháp xử lý đối với các công trình xây dựng không phép, trái phép theo lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực tài nguyên môi trường không đảm bảo an toàn PCCC.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện ký cam kết bằng văn bản với thành phố về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; Chủ tịch UBND cấp xã ký cam kết với UBND cấp huyện về số lượng, danh sách cơ sở thuộc UBND cấp xã quản lý.
Ông Sơn cũng đề nghị có hình thức kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND cấp xã không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; không tổ chức chữa cháy, CNCH giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn...
“Địa bàn nào để sót, lọt cơ sở mà không đưa vào diện quản lý thuộc thẩm quyền UBND cấp xã quản lý theo Nghị định 136 của Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã; trường hợp để xảy ra cháy, nổ, có thể truy cứu trách nhiệm về hình sự theo quy định”, thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nêu rõ.
Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu phải nghiêm túc tổ chức thực hiện giám sát việc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ và yêu cầu dừng hoạt động của các cơ quan chức năng; tuyệt đối không để cơ sở hoạt động "chui", lén lút.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đề ra mục tiêu vào năm 2023, ít nhất 30% cơ sở khắc phục xong các tồn tại về PCCC; năm 2024 ít nhất 70% cơ sở khắc phục xong các tồn tại về PCCC; đến năm 2025 100% cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.
Trước đó, tháng 12/2022, theo thông tin từ Phòng cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TP. Hà Nội, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện ra quân tổng kiểm tra PCCC, Công an thành phố, UBND cấp xã đã hoàn thành việc tổng rà soát 100% cơ sở thuộc diện quản lý.
Trong tổng số 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý của thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm, ban hành 8.861 quyết định xử phạt, với tổng số tiền phạt là trên 71 tỉ đồng.
Riêng đối với loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường, qua rà soát, trên địa bàn thủ đô Hà Nội hiện có 1.520 cơ sở kinh doanh karaoke; trong đó, có 23 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.