Hà Nội là một trong số các địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm học bạ số cấp Tiểu học, làm cơ sở để triển khai đại trà ở cấp phổ thông trên cả nước trong thời gian tới.
Báo cáo của các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã và các trường tiểu học cho biết, đến nay, các điều kiện triển khai học bạ số đã sẵn sàng. 100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành. Đến ngày 20/4, có 60% số giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai học bạ số của ngành; phối hợp với đơn vị vận hành cơ sở dữ liệu ngành nâng cấp chức năng ký số trên học bạ điện tử. Theo kế hoạch, việc thí điểm học bạ số được áp dụng với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 năm học 2023 - 2024 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã được nghe lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phổ biến những định hướng cơ bản của việc thí điểm học bạ số nói riêng và chuyển đổi số của ngành nói chung trong giảng dạy, học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Các giáo viên cũng được nghe hướng dẫn ký số học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành và thảo luận, trao đổi, được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm học bạ số.
Đại diện cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội về việc triển khai học bạ số, đồng thời tổ chức tập huấn cho giáo viên và giáo viên chủ nhiệm.
Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học; đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin). Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.