Hà Nội nỗ lực đưa giáo dục quyền con người vào nhà trường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ nhiều năm nay, các nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật thông qua các bài học thuộc giáo dục pháp luật.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhằm tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh hài hòa về thể chất, tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin. Định hướng này phù hợp với việc xây dựng, lồng ghép giáo dục học sinh về quyền con người trong tất cả các môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Năm học 2021 - 2022 tiếp tục triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024 - 2025 sẽ thực hiện xong ở các lớp cuối cấp là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, ở bậc tiểu học, hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện đến khối lớp 4. Trong sách giáo khoa môn Đạo đức của chương trình này, các nội dung về quyền trẻ em đã được nâng lên thành nội dung nói về quyền con người. Trong đó, các nội dung như tạo cơ hội bình đẳng về quyền được chăm sóc, được bảo vệ, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng, được tham gia của học sinh, đã được giáo viên chú trọng thực hiện thông qua nhiều giải pháp khác nhau nhằm giúp học sinh phát triển đầy đủ các năng lực phẩm chất.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Minh Uyên, từ trước đến nay, nội dung giáo dục về quyền con người cũng đã được nhà trường đưa vào trong quá trình dạy học và giáo dục thông qua các tiết hoạt động tập thể cũng lồng ghép, tích hợp trong các môn học khác. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời các chuyên gia tư vấn, nói chuyện với học sinh để giúp các em hiểu rõ hơn về quyền của con người.

Sau tiết học Hoạt động tập thể với nội dung “Quyền và bổn phận của trẻ em”, cô Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) chia sẻ, để học sinh dễ hiểu bài, tôi đã gợi ý cho học sinh vẽ các sơ đồ tư duy thể hiện nội dung về quyền của trẻ em và mời các học sinh lên thuyết trình. Các em được trình bày ý kiến theo hiểu biết của mình nên rất hào hứng. Qua nội dung bài giảng, nhiều ý kiến chia sẻ, tâm tư của học sinh được bộc lộ, các em muốn được bảo vệ, được che chở, được yêu thương, đồng thời các em cũng thể hiện trách nhiệm bổn phận của các em với gia đình, với nhà trường và cộng đồng.

Ở cấp trung học, môn Giáo dục công dân cũng đề cập đến nội dung quyền con người. Trong đó, nhiều nội dung giúp học sinh nhìn nhận được những vấn đề xã hội đang phải đối mặt trong nhà trường và ngoài xã hội, từ đó có thái độ, cách ứng xử và cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn trên cơ sở quyền con người. Điều này sẽ có vai trò lớn trong việc hạn chế bạo lực học đường, giảm thiểu các nguy cơ mâu thuẫn, xung đột.

Em Trần Nhật Anh, học sinh lớp 6A2 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thông qua các bài giảng và tình huống giáo viên đưa ra trong các bài giảng trên lớp, em hiểu được quyền của mình được bình đẳng hưởng thụ giáo dục toàn diện. Em cũng hiểu rõ trách nhiệm, bổn phận của mình khi là một công dân, một học sinh cần phải làm gì đối với bản thân, bạn bè, nhà trường, gia đình và xã hội.

“Giáo viên đã đưa ra những tình huống sát với thực tế và giúp em hiểu được mình không được xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Em cũng được học về quyền cơ bản, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền cơ bản của trẻ em, các nhóm quyền cơ bản trong Luật Trẻ em năm 2016. Tất cả những kiến thức này đã giúp em hiểu biết và tự nhắc nhở bản thân trước mỗi hành động, việc làm”, em Trần Nhật Anh chia sẻ.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 11D2 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy cũng cho rằng, môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật đã giúp em hiểu được nhiều quy định trong các luật, bộ luật. Nhiều ví dụ thực tế có trong đời sống xã hội được giáo viên đưa ra giúp em và các bạn hiểu hơn về Hiến pháp và pháp luật của nước Việt Nam. Môn học cũng giúp em biết được về các thuật ngữ trong pháp luật, rất cần thiết khi áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Giáo dục quyền con người cho học sinh các cấp học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặc dù việc này đã được các nhà trường thực hiện từ nhiều năm học, song việc nắm bắt, áp dụng kiến thức quyền con người vào thực tiễn của học sinh còn hạn chế. Do đó, khi gặp phải những tình huống bị xâm phạm, học sinh thiếu bình tĩnh hoặc không có khả năng tự bảo vệ, lên tiếng để bảo vệ mình và người khác.

Để đưa nội dung quyền con người vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục đạt hiệu quả, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện trong giáo dục quyền con người khi triển khai các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục. Trong đó, quan tâm tới các yếu tố về đặc điểm tâm lý, giới tính, lứa tuổi, năng lực học tập, văn hóa vùng miền cũng như niềm tin tôn giáo của học sinh trong việc thiết kế, xây dựng các hoạt động học tập. Việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục phải phát huy tinh thần tự chủ, tích cực, sáng tạo của giáo viên, tránh rập khuôn, máy móc khi tích hợp, lồng ghép nội dung này vào các bài học cũng như các hoạt động giáo dục của môn học.

“Giáo viên cần sáng tạo trong việc lấy ví dụ minh họa cho nội dung giảng dạy về quyền con người. Các ví dụ này cũng cần sát thực tế, phù hợp với lứa tuổi của học sinh và đặc biệt là phải đơn giản, dễ hiểu. Thậm chí, các ví dụ cũng cần phải có sự tinh tế về đặc điểm vùng miền, tôn giáo với các đối tượng học sinh. Có như vậy, các em mới hiểu và nhớ kiến thức”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Nguyễn Hồng Thúy chia sẻ.

Bà Hồng Thúy cũng cho biết, bên cạnh việc dạy các kiến thức trong sách giáo khoa, nhà trường cũng tổ chức các chuyên đề cho học sinh học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm; trong đó, chú trọng về quyền trẻ em, quyền được sống an toàn, giáo dục học sinh phòng, chống bạo lực gia đình, chống xâm hại… Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường nhấn mạnh đến việc làm gương của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Giáo dục quyền con người trong nhà trường là cần thiết, bởi khi những kiến thức về giáo dục quyền con người được các em nhỏ tiếp cận ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em sẽ hiểu được quyền của bản thân mình cũng như trách nhiệm, bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời ngăn ngừa bạo lực học đường và các tình trạng phân biệt đối xử, xâm hại nhân phẩm con người. Cứ mỗi học sinh được trang bị kiến thức về quyền con người, xã hội lại có thêm một công dân có trách nhiệm, hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, từ đó cả xã hội và cộng đồng có những công dân tốt, đóng góp cho những bước phát triển của đất nước./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).