Hà Nội siết chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm tăng cao, trong khi đó, Hà Nội mới sản xuất, cung ứng được một phần, số còn lại thu mua từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều sản phẩm an toàn đưa về Hà Nội tiêu thụ

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng, toàn tỉnh hiện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên; có 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội, đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: Cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân Thủ đô đánh giá cao.

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, hằng năm, Bắc Giang cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 15.000 tấn thịt gà, hơn 1.000 tấn rau các loại, 2.500 tấn mỳ gạo, 1.350 tấn hoa quả, 14 tấn mật ong... Sản phẩm được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại siêu thị lớn như: Mega Market, GO, Co.opmart và các chợ đầu mối của Hà Nội. Để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp Hà Nội trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Trong những năm qua, Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, cung cấp thực phẩm chất lượng cao, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, phục vụ người tiêu dùng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23-10-2021 về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố quản lý an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, đã tổ chức lấy 167 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, trong đó có 158 mẫu đạt (chiếm 95%), phát hiện 9 mẫu vi phạm. Đối với các mẫu không đạt, Chi cục đã thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, thành phố để xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh giám sát chất lượng theo chuỗi

Hiện nay, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng chuỗi liên kết để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn, phần lớn sản phẩm nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội bán ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế; ít sản phẩm có tem nhãn, mã vạch, mã số nên chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và thị hiếu tiêu dùng.

Để khắc phục khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm, theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long (tỉnh Hà Giang) Nguyễn Xuân Thành, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm đặc sản của Hà Giang đến với người dân Thủ đô, trong đó có trà Shan Tuyết cổ thụ Hà Giang; đồng thời, tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho hay, Sơn La tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết; dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Hà Nội trong lấy mẫu các sản phẩm và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh đủ điều kiện vệ sinh thú y, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; duy trì chương trình giám sát sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động Quốc hội ​
(Ngày Nay) -Gần 60 năm làm việc và cống hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản có giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trân trọng những công lao to lớn trong quá trình xây dựng và đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mà còn là hạt nhân trong vai trò lãnh đạo, góp phần xây dựng, khẳng định uy tín của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.