Hà Nội yêu cầu thu hồi hơn 39ha thuộc quỹ đất 20%

(Ngày Nay) - UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu thu hồi 39,2ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho Thành phố, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu đề xuất phương án sử dụng đất trước 30/5.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản số 1604/UBND-ĐT ngày 16/4/2018 về việc chỉ đạo quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà điều tiết (quỹ đất 20%, quỹ nhà 30%) tại các dự án phát triển nhà trên địa bàn.

 Cụ thể, về quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% tại dự án phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập hồ sơ thu hồi 39,2ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho Thành phố, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (Gồm: 27 ô đất thuộc 14 dự án đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và 56 ô đất thuộc 19 dự án chưa thực hiện bàn giao); thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố để quản lý, chống lấn chiếm và đề xuất phương án sử dụng đất, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/5.

Hà Nội yêu cầu thu hồi hơn 39ha thuộc quỹ đất 20% ảnh 1Hà Nội yêu cầu thu hồi hơn 39ha thuộc quỹ đất 20% (Ảnh minh họa)

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, báo cáo tổng hợp tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích 15,1ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho Thành phố, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời nêu rõ kết quả thực hiện, nguyên nhân, trách nhiệm về việc chậm triển khai, xác định thời hạn phải hoàn thành giải phóng mặt bằng. Với các đơn vị không thực hiện, xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện dự án cũng như xem xét năng lực của nhà đầu tư, chấp hành quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/5.

UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về quỹ nhà tại các dự án phát triển nhà phải bàn giao cho Thành phố, nghĩa vụ tài chính phải nộp.

Về quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính, rà soát tổng hợp về quỹ đất tại các dự án phát triển nhà ở phải bàn giao cho Thành phố, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố, trong đó báo cáo rõ các dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%, việc này phải hoàn thành trước ngày 30/5/2018.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp toàn bộ quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà trên địa bàn thành phố và các dự án lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.

Thanh tra Thành phố, Sở Tài chính, Cục Thuế Thành phố có nhiệm vụ tổng hợp, xử lý việc quản lý sử dụng quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% tại các dự án phát triển nhà ở, thực hiện kết luận Thanh tra, kết luận Kiểm toán trên địa bàn.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm về việc quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo QĐ 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014. Đặc biệt là liên quan đến việc quản lý quỹ đất 20% và quỹ nhà 30%.

Theo quy định Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố (không hoàn trả tiền đầu tư hạ tầng). Nhưng thực tế, phần lớn dự án được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền.

Có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư có nghĩa vụ trích nộp cho thành phố.

Có dự án lại áp sai mức giá quy định trong bảng giá đất ban hành hàng năm do xác định không đúng vị trí với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng.

Có dự án được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở, ngành không tham mưu trình UBND TP phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất (chủ đầu tư không có cơ sở để nộp tiền sử dụng đất) nhưng vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ cho khách. Đơn cử như lô đất CT2 thuộc dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư, số tiền sử dụng đất tạm tính hơn 733 tỷ đồng.

Tại một số dự án, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu; thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán, gây bên sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Việc lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số đơn vị đứng tên làm chủ đầu tư hưởng lợi không đúng quy định; đối tượng được mua nhà ở xã hội thực tế sử dụng với số lượng ít…

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất.

Chủ tịch TP Hà Nội phải chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đôn đốc thu hồi khoản nợ đọng tiền chênh lệch quỹ nhà 50% và tiền quỹ đất 20% với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng; Sở Tài chính thực hiện xử lý số tiền hơn 2.955 tỷ đồng theo đúng quy định của Luật Ngân sách…

Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

Theo Vietnamnet

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.