Được biết, ngay từ sáng ngày 18/3/2017, hàng loạt fanpage lớn của cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam đã không thể truy cập được. Có thể kể đến hàng loạt cái tên có lượng người theo dõi và lượt like từ hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu như “Chip Đường Phố”, “Kenny Sang”, “Câu Chuyện Cuộc Sống”, “Góc Ẩm Thực”, “Viet Designer”, “Truyện Tranh Nhảm Nhí”, “WeLax”…
Nhiều người còn bị bất ngờ hơn nữa khi ngay cả fanpage của ứng dụng tìm hàng quán Foody.vn với hơn 3 triệu Like cũng đã bị khóa.
Đây không phải là lần đầu các trang Facebook lớn ở Việt Nam bị khoá. Đầu năm 2017, trang "Nghe gì coi gì", "Welax" và fanpage của Giang Popper với hơn 2,7 triệu lượt like cũng lần lượt ra đi.
Trước đó, các fanpage được xem là khá hot trong cộng đồng mạng như “Beat.vn”, “Thức khuya xem bóng đá" hay "2!Idol" cũng lần lượt gặp tình trạng này. Cùng thời điểm đó, giới kinh doanh online tại Việt Nam cũng khóc ròng vì hàng loạt fanpage bị Facebook đóng cửa.
Hiện Facebook chưa có bất cứ bình luận chính thức về những trường hợp trên. Lý do duy nhất chỉ là thông báo “Vi phạm điều khoản”. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng các fanpage này vi phạm bản quyền khi đăng video, hình ảnh không ghi nguồn, đăng tin giả mạo (fake news) và bị cảnh báo, hoặc có thể các trang này không chấp hành nghiêm chỉnh việc thanh toán khi chạy quảng cáo.
Theo chia sẻ của chuyên gia truyền thông NBN Media, ông Nguyễn Bá Ngọc với cộng đồng khởi nghiệp Lauch.vn, thì cho dù fanpage có cả ngàn nội dung tự làm tuy nhiên nếu dùng vài nội dung lấy của người khác vi phạm thì vẫn có thể bị khoá.
Bộ Thông tin và truyền thông vừa ban hành Thông tư 38, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo đó, những trang như Facebook, YouTube có nghĩa vụ hợp tác ngăn chặn những thông tin xấu, độc, xử lý thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt có ảnh hưởng xấu tới xã hội trên mạng Internet.
Tháng 3/2017, một số kênh YouTube đăng tải nội dung không phù hợp đã bị Google gỡ bỏ, hạn chế hiển thị ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Samsung, Yamaha cũng đã ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện chúng được hiển thị trên các video không phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Theo Báo Công lý