Trong hàng ngàn năm, con người đã sống trong một "hốc khí hậu" hẹp, nơi nhiệt độ trung bình luôn lý tưởng cho xã hội phát triển, và điều kiện thuận lợi để trồng thức ăn và chăn nuôi.
Trong các phát hiện được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ hôm thứ Hai, một nhóm các nhà khảo cổ học, khí hậu học và nhà sinh thái học quốc tế tuyên bố rằng nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục duy trì với tốc độ hiện tại, thì cho đến năm 2070 sẽ có hàng tỷ người sống trong ở những khu vực có nhiệt độ quá cao để tồn tại.
Theo nghiên cứu cho thấy, cứ sau khi nhiệt độ tăng thêm 1°C, sẽ có 1 tỷ người phải di chuyển đến vùng lạnh hơn hoặc thích nghi với điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Tim Kohler, một nhà khảo cổ học tại Đại học Washington và đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng những phát hiện này có thể được xem là một trường hợp xấu nhất hoặc kịch bản "hoạt động như bình thường" về "những gì có thể xảy ra nếu chúng ta không thay đổi nhận thức của mình".
Nhiệt độ thay đổi hơn 6.000 năm qua
Sử dụng dữ liệu về nhiệt độ toàn cầu trong lịch sử và sự phân bố của quần thể người, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cũng giống như các loài động vật khác, con người phát triển tốt nhất trong một "hốc khí hậu" hẹp trên khắp thế giới.
Hầu hết dân số thế giới sống ở các khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 11-15°C. Một dải nhỏ hơn từ 20 đến 25°C, bao gồm các khu vực ở Nam Á chịu ảnh hưởng bởi gió mùa Ấn Độ, đem tới những cơn mưa hàng năm tưới cho những vùng đất rộng lớn có truyền thống sản xuất lương thực.
Đáng ngạc nhiên, các nhà khoa học cho biết, con người đã sống trong những điều kiện này trong 6.000 năm qua - điều đó bất chấp những tiến bộ công nghệ gần đây như điều hòa không khí đã cho phép chúng ta vượt qua ranh giới này.
"Là một nhà khảo cổ học, tôi luôn nói với các sinh viên của mình rằng công nghệ, tâm trí và văn hóa của chúng ta đã cho phép nhân loại sống ở bất cứ đâu", ông Kohler nói.
Nhưng thay đổi có thể sớm buộc chúng ta phải thích nghi.
Trái đất hiện đang trên đà nóng thêm 3°C vào năm 2100. Nghiên cứu cho thấy rằng vì các khu vực đất liền nóng lên nhanh hơn đại dương, nhiệt độ mà con người trải qua có thể sẽ tăng khoảng 7,5°C vào năm 2070.
Khi hành tinh của chúng ta nóng lên nhanh chóng do khí thải tăng, nhiệt độ mà một người bình thường trải qua được dự báo sẽ thay đổi nhiều hơn trong những thập kỷ tới so với hơn 6.000 năm qua, nghiên cứu cho thấy.
Và nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất thực phẩm, tiếp cận nguồn nước, xung đột và gián đoạn do di cư.
"Thật hợp lý khi kết luận rằng nếu một cái gì đó ổn định trong 6.000 năm, chúng ta sẽ không thể thay đổi nó một cách nhanh chóng và ít đau đớn", ông Kohler nói.
Khu vực "hỏa ngục" sẽ mở rộng
Trong số những nơi nóng nhất trên Trái đất là khu vực Sahara của Châu Phi, với nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29°C. Những khu vực có điều kiện khắc nghiệt như vậy chiếm 0,8% diện tích đất của Trái đất.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng những khu vực có nhiệt độ cực đoan đó dự kiến sẽ lan đến 19% bề mặt Trái đất, ảnh hưởng đến 3,5 tỷ người vào năm 2070.
"Các khu vực chịu ảnh hưởng bao gồm vùng châu Phi cận Sahara, Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á, Bán đảo Ả Rập và Úc - những khu vực có dân số phát triển nhanh", Chi Xu, từ Đại học Nam Kinh, và đồng khác đồng tác giả của báo cáo, cho biết. "Những quốc gia này chủ yếu ở phía nam bán cầu, với tốc độ tăng dân số nhanh nhất, như Ấn Độ và Nigeria".
Nghiên cứu dự đoán 3,5 tỷ người di cư sẽ vượt xa ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong đó cho thấy143 triệu người trên khắp Nam Á, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh có nguy cơ phải di cư.
Đó là một cảnh báo nghiêm trọng về những gì có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng khí hậu không được kiểm soát.
Nhưng vẫn còn hy vọng cho nhân loại. Các nhà khoa học cho biết bằng cách giảm nhanh chóng và đáng kể lượng khí thải carbon toàn cầu, số người sống trong cảnh nóng bức tàn khốc có thể giảm một nửa.
Các tác giả giải thích rằng có một số điểm không chắc chắn về việc khủng hoảng khí hậu sẽ thúc đẩy quá trình di cư như thế nào hay ở mức độ nào, và cho biết nghiên cứu không thể được sử dụng như một dự đoán về di cư.
Các số liệu cũng dựa trên các dự báo tồi tệ nhất và có những câu hỏi về các hành động để giảm thiểu chống biến đổi khí hậu, bao gồm "biến động chính trị, thay đổi thể chế và điều kiện kinh tế xã hội" có thể ảnh hưởng đến những kết quả này.
"Kịch bản tồi tệ nhất có thể tránh được phần lớn nếu cắt giảm hiệu quả khí thải nhà kính", Chi Xu nói. "Nhiều biện pháp giảm thiểu khí hậu hiệu quả và thích ứng cục bộ sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với xã hội loài người".