Nhiều ngày qua, Phạm Huy (học sinh lớp 11A3, trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) trở thành cái tên được nhiều người nhắc đến khi đã mang vinh quang lớn về cho Việt Nam. Bà con lối xóm đến nhà chia vui, gọi điện chúc mừng và ai ai cũng rất phấn khởi. Cả làng Bích La Hậu- nơi Huy sinh ra đông vui như những ngày hội.
Ý tưởng nhân văn
Huy là con út trong một gia đình thuần nông ở làng Bích La Hậu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Gia đình em cũng bình thường như bao gia đình khác khi mẹ buôn bán ở chợ, bố sửa xe máy, xe đạp tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Niềm (44 tuổi, mẹ của Huy) kể rằng, từ nhỏ đến lớn Huy là đứa rất ngoan hiền, học giỏi. Em rất đam mê đồ điện tử và đã tự tay làm ra đồ chơi cho mình hồi còn bé. “Hồi đó do không ảnh hưởng gì đến việc học nên gia đình cũng hưởng ứng, nhưng khi cháu lên cấp 2 thì tôi khuyên bảo, không cho chơi nữa để tập trung việc học”, chị Niềm chia sẻ. Thế nhưng, Huy không từ bỏ được niềm đam mê này. Em luôn lén lút tìm hiểu việc chế tạo máy và có niềm đam mê kỳ lạ với các sáng chế kỹ thuật.
Huy và giáo viên hướng dẫn bên mô hình cánh tay |
Ít ai biết được rằng, hành trình đưa “cánh tay robot” ra thế giới của Huy không phải dễ dàng. Trước đó, Huy đã chế tạo nhiều sản phẩm nhưng đều không như mong muốn. Quyết tâm không nản chí, Huy đã đầu tư nghiên cứu, ấp ủ trong nhiều năm liền để chế tạo ra “cánh tay robot” hữu ích cho những người quyết tật.
Gia đình Huy cho biết, em luôn để ý những người lính thời chiến giờ đây không còn được nguyên vẹn về thể xác, người thì mất cánh tay, người thì cụt chân. Những hình ảnh đau thương đó luôn ám ảnh Huy và thôi thúc em phải chế tạo cho được một cánh tay đặc biệt để giúp đỡ họ.
Cuối năm lớp 10, Huy bắt tay vào chế tạo và đến giữa năm 2016 thì hoàn thành “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, với tổng chi phí khoảng 3 triệu đồng.
Cánh tay robot chế tạo gần giống như người bình thường; được điều khiển bằng các ngón chân, có thể úp ngửa, co duỗi ngón tay, cẳng tay; hệ thống có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ vật cầm vào có nhiệt độ cao hoặc gây nguy hiểm. Cánh tay robot có thể cầm nắm rất nhiều loại đồ vật.
“Khi làm sản phẩm ý nghĩa đó thì cháu cũng gặp nhiều khó khăn lắm, như khi mẫu in 3D được đặt hàng về nhưng khi lắp vào lại không khớp, vứt đi. Các chi tiết đòi hỏi tỷ mỹ khiến cháu cặm cụi lắp ráp xuyên ngày đêm. Hay gia đình cũng khó khăn nên không hỗ trợ được nhiều, nhờ thêm sự hỗ trợ của họ hàng...”, anh Phạm Xuân Đính (45 tuổi, bố Huy) thổ lộ.
Tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật Quốc gia khu vực phía Bắc, “cánh tay robot cho người khuyết tật” đạt giải nhất. Phạm Huy và sản phẩm của mình được Bộ GD&ĐT cử đi Mỹ để dự cuộc thi Khoa học- kỹ thuật quốc tế từ ngày 15 đến 19/5. Thế nhưng, con đường đến với thành công hiện tại không được êm đềm mà rất sóng gió. Ngoài những vất vả để hoàn thành sản phẩm thì em đã bị từ chối cấp visa 2 lần sau khi phỏng vấn không thành.
Chuyện cổ tích
Mẹ của Huy tâm sự: “Buồn lắm, bạn bè nó ai cũng đi mà chỉ mình nó ở lại khiến cả nhà hụt hẫng. Đã có quá nhiều người giúp đỡ nó được sang Mỹ thi đấu và mang vinh quang về như hôm nay, gia đình vô cùng biết ơn”.
Anh Phạm Xuân Đính vui mừng chia sẻ thành tích đáng tự hào của con trai |
Đến lần thứ 3 phỏng vấn và chính thức được tham dự cuộc thi khi chỉ còn vài giờ đồng hồ, gia đình cậu học trò quê nghèo vô cùng vui mừng. “Gia đình chúng tôi vừa vui nhưng vừa lo lắng rất nhiều. Từ khi nó bay sang Mỹ đêm nào tôi cũng thức trắng đêm và cầu nguyện cho nó. Khi có kết quả rồi, tôi cũng không chợp mắt được...”, chị Niềm tâm sự.
“Lúc công bố kết quả, tôi và người thân mở máy tính ra xem trực tiếp qua mạng, ai ai cũng nín thở, hồi hộp. Phải nói là tôi rất nóng ruột và hóng tên con. Lúc công bố giải 3, dù không hiểu tiếng Anh nhưng chúng tôi nghe Quảng Trị là nhảy lên. Đến khi 3h sáng, Huy gọi về nói con đạt giải 3 rồi khiến tôi mừng và khóc rất nhiều, như là chuyện cổ tích...”, ông Đính nói trong sung sướng.
Còn về phần Huy, chàng trai này vô cùng hạnh phúc và không cầm được nước mắt vì như vừa lách qua khe cửa hẹp vậy. “Sau khi về nước em vẫn tiếp tục học hết phổ thông, tiếp tục phát triển đề tài vừa đạt giải. Hi vọng sẽ có cá nhân hay tổ chức nào đó góp sức cùng với em để đề tài ngày một hoàn thiện, có thể ứng dụng rộng rãi, qua đó giúp đỡ nhiều người khó khăn”, Huy bộc bạch.