Trong các ngày 20-21/2, không khí lạnh tại Bắc Bộ đã bắt đầu suy yếu khiến nền nhiệt khu vực tăng dần. Trời ấm lên kèm theo độ ẩm không khí cao đã gây ra hiện tượng sương mù.
Tại Hà Nội, sương mù che phủ thành phố suốt cả ngày khiến bầu không khí trở nên âm u.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng này sẽ còn kéo dài trong những ngày tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng. Từ nay đến hết tháng 2, trạng thái chủ yếu tại Bắc Bộ là mưa phùn, sáng sớm có sương mù, trưa và chiều trời nắng.
Tại các tỉnh đồng bằng, nền nhiệt chung dao động trong ngưỡng 17-26 độ C, trời vẫn rét về đêm và sáng. Khu vực duy trì độ ẩm cao khiến tình trạng nồm ẩm tiếp tục xuất hiện.
Cơ quan khí tượng cho biết vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3, rét đậm vẫn có khả năng xuất hiện nhưng không kéo dài. Năm nay, các tỉnh Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có thể đón nắng nóng sớm.
Tuy nhiên, thời tiết miền Trung sẽ ổn định trong 10 ngày tới với trạng thái mưa vài nơi, ban ngày trời nắng kèm theo sương mù nhẹ rải rác. Nhiệt độ khu vực không quá cao, phổ biến ở 25-29 độ C.
Trong khi đó, các tỉnh Nam Bộ trong thời kỳ tới phổ biến ít mưa. Nền nhiệt cao nhất ở Tây Nam Bộ là 31-34 độ C, khu vực Đông Nam Bộ là 32-35 độ C. Một số nơi có thể xảy ra nắng nóng nhẹ với mức nhiệt trên 35 độ C.
Chất lượng không khí tại Hà Nội đạt tới ngưỡng “nâu”
Diễn biến chất lượng không khí sáng nay, 21/2. (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh đó, cùng với sương mù, sự gia tăng của các phương tiện gia thông và hoạt động thi công xây dựng, từ sáng 20/2 đến nay, hầu hết các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí đều đưa ra “cảnh báo tím” - ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” bao trùm thành phố Hà Nội và nhận định “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.”
Thậm chí, một số khu vực quan trắc, chất lượng không khí còn tới ngưỡng “nguy hại,” cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe. Tên Hà Nội cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ Nhất trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir) quan trắc theo thời gian thực.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI tại Hà Nội sáng nay đã lên tới đỉnh ngưỡng “màu tím” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “rất xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Mức AQI phổ biến từ 201-300.
Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 5 giờ sáng nay, 21/2 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng “rất xấu.” Điển hình như khu vực Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) với chỉ số AQI 247; Bà Triệu 236; Hồ Kim Liên (Đống Đa) 225; Đê La Thành 242; Định Công (Hoàng Mai) 254; Cầu Giấy 269; Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) 240…
Tới thời điểm 7 giờ, hầu hết các điểm đo vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng “rất xấu” với chỉ số AQI cao nhất lên tới 268 ở khu vực Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Trong khi 3 ngày trước, chỉ số AQI ở hầu hất các điểm đo ở Hà Nội luôn phổ biến ở ngưỡng “xanh” - chất lượng không khí ở mức “tốt,” không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 5 giờ sáng hôm nay cũng cho thấy kết quả chỉ số AQI đã tăng lên 196, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.
Tới thời điểm 7 giờ, chỉ số AQI vẫn duy trì ở ngưỡng “xấu” với chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên đến 192 1µg/m³. Trong khi cùng thời điểm này vào những ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI được trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường ghi nhận được vẫn duy trì ở ngưỡng “màu xanh” - chất lượng không khí ở mức tốt.
Với diễn biến chỉ số AQI trên, Tổng cục Môi trường và Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đều đưa ra cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng; nhóm người nhạy cảm có thể gặp vấn đề về sức nặng hơn.
Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong sáng nay cũng hiển thị hai ngưỡng màu phổ biến là “đỏ” và “tím” bao trùm khắp trên bản đồ quan trắc chất lượng không khí ở Thủ đô, với chỉ số AQI phổ biến từ 201-291.
Thậm chí, một số khu vực còn hiển thị “màu nâu” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “nguy hại” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Điển hình như khu vực Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) với chỉ số AQI 363; Thượng Đình 326; Nhân Chính (Thanh Xuân) 314; Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) 364…