Hội Phết diễn là vào ngày 12-13 tháng Giêng (Âm lịch) ở Hiền Quan, Phú Thọ để tưởng nhớ công lao của Thiều Hoa công chúa (vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng) với điểm nhấn là màn đánh Phết cầu may. Trong ảnh là hiện tượng bát hương bốc cháy, theo các cụ bô lão đây là điềm lành báo hiệu một năm mới tốt đẹp.
Ảnh: Thế Sơn |
Trong lễ hội này người dân quan niệm chạm được tay vào quả phết là may mắn còn nếu có được quả phết mang về nhà là đem lại sự may mắn cho cả gia đình, xóm làng. Nhiều người không ngại lao cả xuống mương nước để đuổi theo quả phết.
Ảnh: Thế Sơn |
Hội làng Tuân Lục (diễn ra vào ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng) tại Trực Ninh, Nam Định để kỉ niệm ngày sinh Thành hoàng làng Đỗ Công Hạo với tiêu điểm là lễ rước kiệu và cướp trái. Trong trò chơi cướp trái hai đội đỏ và vàng được lựa chọn từ những người đàn ông ưu tú trong làng.
Ảnh: Thế Sơn |
Hội Lim là một trong những lễ hội lớn nhất ở Bắc Ninh, khai hội vào ngày 13 tháng Giêng. Quan trọng nhất của Hội Lim là phần lễ rước và hát quan họ trên thuyền. Nhiều du khách tới đây chỉ với mong muốn được một lần nghe trực tiếp những liền anh liền chị hát trên những chiếc thuyền rồng.
Ảnh: Phong Duy |
Lễ rước “Vua, Chúa” ở Đền Sái, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng. Mỗi năm, người dân trong làng lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để vào vai "Vua, Chúa" và 4 vị quan tứ trụ triều đình. “Vua” và “Chúa” sẽ được ngồi trên kiệu tám người khênh và rước đi xung quanh làng.
Ảnh: Nam Trần |
Giải cờ tướng lễ hội chùa Vua (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại có một không khí tĩnh lặng, hoàn toàn trái ngược với những lễ hội khác. Diễn ra từ mùng 6-9 tháng Giêng, Giải quy tụ hàng trăm kỳ thủ cờ tướng từ khắp mọi miền trên cả nước và ở mọi lứa tuổi khác nhau. Những lá thăm luôn đưa đến những trận đấu hết sức thú vị, trong ảnh là cuộc so tài của em Hiệp (10 tuổi) và cụ Ngô Văn Định (75 tuổi).
Ảnh: James Duong |
Lễ hội chùa Phượng Vũ (xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình) tổ chức vào chiều mùng 9 tháng Giêng. Theo tín ngưỡng tâm linh, những đội rước kiệu thường quay kiệu, rước kiệu chạy dọc những con đường thậm chí lao xuống mương nước đứng cả tiếng đồng hồ. Những nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng đây là hiện tượng lên đồng tập thể - khi những người rước kiệu cho rằng có một thế lực siêu nhiên đang điều khiển họ.
Ảnh: Phong lá đỏ |
Lễ dâng sao giải hạn được tổ chức ngày 14 tháng Giêng tại Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) luôn thu hút hàng ngàn người tới làm lễ. (Ảnh Phong Duy) .
Ảnh: Phong Duy |