Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet số ra ngày 13/12, hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19 hạn chế người dân đến các tụ điểm công cộng như nhà hàng, viện bảo tàng... có thể giúp khuyến khích tiêm chủng ở những nước có tỉ lệ tiêm phòng thấp.
Hộ chiếu vaccine là chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số, trong đó xác nhận tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hay phục hồi sau khi mắc bệnh....Chỉ những người có hộ chiếu vaccine mới được phép đến những địa điểm tụ tập.
Nghiên cứu tập hợp dữ liệu từ 6 nước, theo đó, việc áp dụng hộ chiếu vaccine đã giúp tăng tỉ lệ tiêm chủng trong vòng 20 ngày trước khi áp dụng và 40 ngày sau khi áp dụng ở những quốc gia như Pháp, Israel, Italy và Thụy Sĩ, những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp dưới trung bình.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác động của hộ chiếu vaccine, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trên toàn thế giới, buộc các nước siết chặt các biện pháp hạn chế và tìm biện pháp mới khuyến khích tiêm vaccine phòng bệnh đối với những người hoài nghi tiêm chủng.
Nghiên cứu cho thấy tại Đức, quốc gia đang cân nhắc bắt buộc tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine ít tác động đến thái độ của người dân vì những người nhà chức trách có thể thuyết phục tiêm chủng đã tiêm trước đó. Hộ chiếu vaccine cũng có ít tác động tại Đan Mạch, nước có tỉ lệ tiêm phòng thấp.
Các biện pháp hạn chế có tác dụng tốt nhất trong việc tăng tỉ lệ tiêm vaccine đối với lứa tuổi dưới 30. Nhóm ở độ tuổi này coi thường nguy cơ mắc COVID-19 và nguy cơ mắc bệnh chưa đủ thuyết phục họ tiêm vaccine, do đó các biện pháp hạn chế phát huy tác dụng.
Tại Thụy Sĩ, khi hộ chiếu vaccine lần đầu tiên được sử dụng tại các câu lạc bộ đêm và các sự kiện lớn, tỉ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 chỉ tăng ở nhóm người trong độ tuổi 20.
Tiến sĩ Tobias Ruttenauer thuộc Đại học Oxford, đồng tác giả của nghiên cứu trên, nêu rõ: "Có lẽ chứng nhận COVID-19 là cách hữu hiệu để khuyến khích tiêm chủng ở nhóm người không muốn tiêm vaccine. Tuy nhiên, chỉ riêng chứng nhận COVID-19 không giúp cải thiện tỷ lệ tiêm chủng mà cần phải sử dụng kết hợp với các chính sách khác."
Theo các nhà nghiên cứu, các quan chức y tế công cộng cũng cần tăng cường các biện pháp khuyến khích tiêm chủng và nỗ lực truyền bá thông tin nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng cũng như xây dựng lòng tin vào chính quyền, nhất là đối với các cộng đồng thiểu số.