Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục Trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng đại diện từ Đại sứ quán một số nước ở Châu Âu, Hiệp hội DN các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Eurocham, Amcham, Hiệp hội ngành hàng: thủy hải sản, da giầy…
Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Ảnh: Cấn Dũng |
Giải pháp cho doanh nghiệp chuyển hóa cơ hội từ EVFTA
Là một FTA thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Tuy nhiên, để tận dụng “cơ hội vàng”, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Một là, cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp phải tìm và hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Hai là, tiếp tục cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với doanh nghiệp trong nước.
Ba là, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn Châu Âu… Doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.
“EVFTA là cơ hội và là sức ép hợp lý để doanh nghiệp thay đổi, từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được cơ hội gia tăng kim ngạch, doanh nghiệp trong nước đứng vững trên sân nhà”
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Cấn Dũng |
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao việc triển khai hợp tác giữa các bên liên quan sớm triển khai đưa vào hoạt động chính thức sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát huy hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Thứ trưởng lưu ý trong cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển của công nghệ thì những vấn đề trọng tâm như: Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển cơ sở hạ tầng Cơ sở hạ tầng có những hướng giải pháp rất mới, có thể tạo ra những đột phá mới. Trong năm qua với tác động của đại dịch COVID đã thúc đẩy việc Chuyển đổi số trong toàn xã hội, và trong tất cả các lĩnh vực. Theo số liệu thống kê, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 Tỉ USD, Người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị.
“Gần đây chúng ta đều biết câu chuyện về Alibaba, hay Amazon mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hay thậm chí cả các hộ kinh doanh cá thể xuất khẩu sản phẩm do chính tay họ làm ra, điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới trước đây. Vì vậy dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ chúng ta cũng hoàn toàn có thể Xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, tạo ra những đột phá trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường EU và nhiều thị trường lớn khác”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng gợi mở.
Việc triển khai hợp tác giữa các bên liên quan sớm triển khai đưa vào hoạt động chính thức sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát huy hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: Cấn Dũng |
Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng nhấn mạnh lễ ra mắt Chương trình hợp tác hôm nay kỳ vọng sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những Giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lỗi để hỗ trợ công động doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết việc triển khai sàn giao dịch Thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU sẽ sớm góp phần hiện thực hoá mục tiêu kết nối các giải pháp số liên quan, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện giúp cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất.
Theo đó, các giải pháp được thúc đẩy thực hiện trong việc triển khai sàn thương mại điện tử sẽ tập trung vào việc thực thi nghiệp vụ xuất nhập khẩu; Các giải pháp thanh toán và bảo lãnh quốc tế; Logistics, chữ kí số và hợp đồng điện tử; truy xuất nguồn gốc và xác thực thông tin sản phẩm và các giải pháp khác phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời thực hiện kết nối các cổng dịch vụ của các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thuế, cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, giúp doanh nghiệp và các đối tác thương mại quốc tế thuận tiện trong các hoạt động giao thương trao đổi hàng hóa.