Theo ông Kurt Volker, Ukraine có toàn quyền tự vệ, do đó, Mỹ sẵn sàng hợp tác với nước này, "cũng như với các quốc gia khác trên thế giới". Ngoài ra, chính quyền Mỹ sẽ tham vấn với Kiev về việc cung cấp các lô hàng vũ khí trong tương lai.
Ông Volker cho rằng "đây là tương tác bình thường với một quốc gia đang phát triển khả năng phòng thủ của chính mình".
Trước đó, ngày 18/5, có thông tin cho rằng Mỹ dự định mở rộng ra toàn thế giới Chương trình khuyến khích tái cấp vốn châu Âu (ERIP) cho các quốc gia sẵn sàng từ bỏ việc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc để mua vũ khí của Mỹ, như từng làm với 6 nước Đông Âu, cựu thành viên của Hiệp ước Warsaw.
Chương trình ERIP yêu cầu các nước tham gia phải loại bỏ thiết bị do Nga sản xuất, không mua các thiết bị này trong tương lai và phân bổ một phần ngân sách nhà nước để mua vũ khí của Mỹ với số lượng lớn.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết thêm rằng các quốc gia tiếp tục mua vũ khí từ Nga có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Quân đội Ukraine |
Về phần mình, Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ ngày 23/5 thông báo thượng viện Mỹ đề xuất sẽ tăng tài trợ cho Ukraine lên 300 triệu USD vào năm 2020 để tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng vũ trang và mở rộng sự hỗ trợ trong chính sách an ninh.
Thông báo của Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ nêu rõ: "Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã phê duyệt dự thảo luật về 'Ngân sách Mỹ năm 2020 cho yêu cầu phòng thủ quốc tế', giao Lầu Năm Góc phân bổ 300 triệu USD để cung cấp, hỗ trợ an ninh cho Ukraine, tức là nhiều hơn 50 triệu USD so với hiện tại". Đại sứ quán xác nhận rằng 100 triệu USD cần được "dành riêng cho các loại vũ khí sát thương”.
Ngoài ra, thông báo còn có đoạn: "Theo văn kiện, đề xuất mở rộng để hướng sự hỗ trợ của Mỹ vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng vũ trang Ukraine, kể cả bằng cách triển khai các phương tiện phòng thủ bờ biển và tên lửa chống hạm".