Xử phạt đối tượng nào?
Lâu nay, trong giới mỹ thuật mà cụ thể là các nghệ sĩ tạo hình, họ sáng tạo ra tác phẩm rồi giao cho các phòng tranh (gallery) để tổ chức triển lãm và bán cho người sưu tập. Theo thông lệ này, các gallery là cơ sở có tư cách pháp nhân và có trách nhiệm đi xin giấy phép để triển lãm các tác phẩm của họa sĩ.
Các tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Bùi Quang Viễn được nhận định “không có nội dung nhạy cảm”. |
Về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Triển lãm không xin giấy phép, với vi phạm này, phạt hành chính bằng tiền là một xử lý bình thường của phía cơ quan quản lý văn hóa. Điều tôi lấy làm khó hiểu, là đối tượng chịu phạt đầu tiên phải là cơ sở tổ chức triển lãm, chứ không phải là cá nhân họa sĩ. Gallery là một pháp nhân, họ phải có nghĩa vụ hỗ trợ, hướng dẫn họa sĩ làm đầy đủ các thủ tục cần thiết chứ”.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM có đồng quan điểm với họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn bày tỏ: “Nếu cơ sở tổ chức triển lãm là gallery mà không xin giấy phép thì phạt gallery chứ không thể phạt họa sĩ. Trong trường hợp này, nội dung tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Viễn không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức xã hội thì càng không có lý do gì để phạt họa sĩ. Việc xử phạt này khiến giới nghệ sĩ tạo hình chúng tôi khá bức xúc, bởi việc chính của chúng tôi là sáng tạo ra tác phẩm, còn việc xin giấy phép là của gallery và thẩm định, cấp phép như thế nào là của cơ quan quản lý”.
UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt số tiền là 25 triệu đồng với ông Bùi Quang Viễn khi căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Ngoài phải nộp phạt 25 triệu đồng, ông Bùi Quang Viễn phải tiêu hủy 29 bức tranh đã triển lãm theo quy định tại điểm c khoản 8 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP để “khắc phục hậu quả”.
Lâu nay cơ quan quản lý không đưa ra cách ứng xử là đốt, phá hủy tác phẩm nghệ thuật. |
Không nên đốt, phá tác phẩm nghệ thuật
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết: “Trong hoạt động triển lãm nghệ thuật do Hội Mỹ thuật chủ trì và tiến hành, chúng tôi có duyệt nội dung, hình thức biểu hiện của các tác phẩm trước khi mở triển lãm. Trong trường hợp có những tác phẩm chưa ổn, gây mỹ cảm không tốt với công chúng, có thể tạo dư luận xấu, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật thì cần lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, đưa ra quyết định chỉ rõ chưa ổn ở đâu, vi phạm ra sao. Từ đó, yêu cầu cơ sở tổ chức triển lãm và cá nhân nghệ sĩ rút tác phẩm vi phạm khỏi triển lãm. Xin nói rõ: không cho triển lãm tranh đã được thẩm định là vi phạm, chứ không có chuyện thu hồi, tiêu huỷ!”.
Được biết, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cũng đã lập hội đồng chuyên môn để thẩm định 29 bức tranh của ông Bùi Quang Viễn. Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với nhà điêu khắc Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, người tham gia đoàn thẩm định tranh. Ông Xuân Tiên hết sức cẩn thận cho rằng không thể trả lời qua điện thoại vấn đề này vì sợ “tam sao thất bản”. Tuy nhiên, chiều ngày 17/8, Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Phạm Văn Dũng phát biểu tại cuộc họp báo: “tranh của họa sĩ không có nội dung nhạy cảm”.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Lâu nay, cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, hay nói gọn là chính quyền, bao hàm cả hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam, không đưa ra cách ứng xử là đốt, phá hủy tác phẩm nghệ thuật”.
Cần thay đổi trong Nghị định 38
Được biết, ngày 15/8, UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm góp ý cho Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trong đó đề nghị hủy bỏ quy định buộc tiêu hủy tang vật với hành vi tổ chức triển lãm mỹ thuật và trại sáng tác điêu khắc không có giấy phép.
Ông Bùi Quang Viễn cho biết ông không thể tự tay “giết chết những đứa con tinh thần của mình". |
Về Nghị định 38/2021/NĐ-CP, khi được hỏi Hội Mỹ thuật Việt Nam có tham gia xây dựng nghị định này hay không? Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cho biết: “Chúng tôi không được trưng cầu ý kiến, dù văn bản pháp luật này có liên quan khá nhiều đến hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ tạo hình. Từ vụ việc này, tôi xin chia sẻ thêm băn khoăn về sự phối hợp quản lý, xây dựng văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như lĩnh vực mỹ thuật nói riêng. Có thể nói, chúng ta cần quản lý để xây dựng, muốn xây dựng thì cần quản lý tốt hơn, tiến bộ hơn. Nhưng đáng tiếc, hiện nay đang có tình trạng thiếu sự đồng bộ trong ứng xử với nghệ sĩ từ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương với nhau cũng có hành xử trong quản lý khác nhau. Đó là chưa kể đến việc một số văn bản pháp lý, công cụ để quản lý cũng chưa đồng bộ. Mong rằng, những bất cập nói trên sớm được khắc phục”.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi: “Nếu áp dụng theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP.HCM dựa trên Nghị định 38/2021/NĐ-CP đối với ông Bùi Quang Viễn, thì trong quá khứ có nguy cơ mất nhiều Bảo vật quốc gia. Nhìn lại lịch sử, ví dụ bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng, được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt 2 năm 2013. Bức tranh này từng không được cấp phép triển lãm và vài lần lén triển lãm không có giấy phép. Rất may nó không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì đâu còn để mà nửa thế kỷ sau công nhận Bảo vật quốc gia. Hoặc như bức tranh “Hào” của danh họa Dương Bích Liên, vài lần bị cấm, tác giả bị mời viết kiểm thảo nhiều lần. Nhưng cũng rất may là không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì Dương Bích Liên và mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã mất đi một kiệt tác”.
Tại cuộc họp báo hôm 17/8, theo ông Phạm Văn Dũng – Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM sẽ giao cho họa sĩ Bùi Quang Viễn tự tiêu hủy 29 bức tranh. Ông Bùi Quang Viễn cho biết ông không thể tự tay “giết chết những đứa con tinh thần của mình” và sẽ khiếu nại để hủy bỏ hoặc thu hồi quyết định xử phạt của UBND TP.HCM.