Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo sức khỏe hệ chính quy để xin ý kiến dư luận trước khi thông qua.
Theo đó, ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Xét học lực giỏi lớp 12 với các ngành sức khỏe sẽ là thách thức với học sinh (Ảnh minh họa VTV) |
Trong đó, yêu cầu học sinh có học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển học bạ vào các ngành cấp chứng chỉ hành nghề các ngành sức khỏe.
Xung quanh quy định này, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những những băn khoăn, những lo lắng từ những người thầy đang giảng dạy thực tế ở trường học.
Dễ dãi hơn trong việc cho điểm
Thầy giáo H. hiện là một giáo viên trường trung học phổ thông nêu quan điểm của mình “Tôi không đồng ý với quy định của Bộ Giáo dục yêu cầu học sinh có học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển học bạ vào các ngành sức khỏe.
Bởi, trong thực tế, nhiều học sinh chỉ xếp học lực trung bình nhưng kiến thức chuyên sâu một số môn rất giỏi. Và ngược lại…”.
Cô giáo D. cho biết “Xét học bạ kiểu này, buộc một số giáo viên phải nới tay cho điểm vì sợ một số học sinh chịu thiệt thòi”.
Cô giáo L. nói rằng “Tôi đã dạy khá nhiều học sinh, có em học rất giỏi một số môn học nhưng chỉ đạt mức trung bình (thậm chí là yếu) một số môn học khác không có trong tổ hợp các em sẽ thi.
Nếu quy định này được thông qua, bản thân mình cũng phải cân nhắc trước khi cho điểm học trò”.
Một số trường đang có tiếng, có thương hiệu về tỷ lệ học sinh đỗ vào những trường tốp đầu của cả nước cũng nhận được chỉ đạo ngầm của hiệu trưởng kiểu :
“Nếu trước đây, các thầy cô cứ thẳng tay ghi điểm 0, điểm 1 cho học sinh dù chỉ một lần gọi lên kiểm tra bài cũ. Thì nay, thầy cô cần cân nhắc thật kĩ bởi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện ước mơ của các em”.
Từ những chỉ đạo miệng (nhưng gần như là thánh chỉ) giáo viên nào dám không tuân?
Thế là, đã có cảnh nhiều thầy cô kiểm tra bài cũ học sinh lần 1, không thuộc: tha; lần 2 cũng không thuộc, nhắc nhở và tha, lần 3 vẫn không thuộc lại cho nợ tiếp lần sau…
Những bài kiểm tra 15 phút trước là kiểm tra theo kiểu “đánh trận, bất ngờ”. Thế nhưng nay, thầy cô phải công bố trước vài ngày. Vì không thế, học sinh làm bài yếu, giáo viên cũng chẳng dám thẳng tay ghi vào sổ.
Chúng tôi từng biết một số trường tư thục đã nâng điểm cho học sinh bằng cách xiết chặt những môn theo ban các em đăng kí.
Một học sinh học tại một trường tư thục ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết "Tụi em kiểm tra một tiết môn Anh, Toán, Lý, Hóa, Văn" 4 thầy cô coi thi một phòng nên không thể cục cựa.
Nhưng kiểm tra môn "Sử, Địa, Công dân...có 2 thầy cô xem và có thể mở tài liệu ra chép".
Kiểu này là thả lỏng một số môn học để học sinh "hợp thức hóa" con điểm của mình. Điều này, góp phần cải tiến lực học của các em trong học bạ.
Rồi sẽ có phụ huynh vì lo con không đủ yêu cầu xét tuyển đã chạy chọt, ‘đi cửa sau” để nâng học lực trong học bạ theo quy định.
Không ít học sinh phải từ bỏ ước mơ
Một giáo viên trường trung học cơ sở cho biết ngay từ lớp 8, lớp 9 học sinh đã có định hướng chọn môn học để thi theo ban mình thích.
Nhiều em thích khối ngành kinh tế bắt đầu tăng tốc học những môn Toán, Lý, Hóa.
Em thích ngành chăm sóc sức khỏe sẽ đầu tư thêm môn Sinh.
Em thích báo chí chỉ nặng học các môn Văn, Sử, Địa…những môn học khác chỉ học ở mức khỏi bị điểm liệt hoặc trên mức trung bình là đủ.
Đa phần các em đều học lệch. Vì thế, nhiều em giỏi các môn Toán, Lý, Hóa hoặc Văn, Sử, Địa lại không giỏi toàn diện.
Nhiều học sinh giỏi toàn diện nhưng tính từng môn riêng lẻ như Toán, Hóa, Sinh …chỉ hơn mức khá hoặc chạm mức giỏi, ít có em đạt xuất sắc.
Trong thực tế, đã có không ít học sinh 12 năm liền đạt học sinh xuất sắc nhưng thi đại học chỉ đạt mức điểm khá
Không ít học sinh chỉ có lực học trung bình nhưng thi vào đại học lại đạt á khoa, thủ khoa.
Thế nên, quy định này được thông qua, có người lo ngại sẽ có không ít học sinh phải từ giã ước mơ khi không thể đạt học lực loại giỏi năm lớp 12.
Và như thế, nhiều ngành nghề sẽ không thể tuyển sinh được lượng học sinh thật sự giỏi.