Nguyễn Quốc Trung, sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành vận hành thiết bị dầu khí (trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, em lựa chọn ngành học về thiết bị dầu khí vì được các anh chị khóa trước rỉ tai, học ngành này xong sẽ có việc ngay theo nhu cầu của các công ty dầu khí. Và đó không phải là tin đồn…
Lý thuyết đi cùng thực hành
Ngay từ năm đầu tiên, Trung và các bạn cùng khóa đã được học mô hình hiện đại và thực tập tại doanh nghiệp dầu khí trên địa bàn, được học làm việc theo nhóm, thao tác kỹ thuật trên thực địa… được tiếp xúc với các thao tác mở van, máy nén, học mô hình giống với thực tế. Điều này giúp tất cả sinh viên không còn bỡ ngỡ với công việc sau khi ra trường.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát huy công tác liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong năm 2022-2023.
Theo thầy Lý Tòng Bá, giảng viên phòng Mô phỏng, mô hình thiết bị mô phỏng khoan hiện đại hiện chỉ có trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu được trang bị. Ngay cả sinh viên các trường đại học tại Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cũng phải đưa sinh viên đến học mô hình này. Với công nghệ khoan mới khai thác dầu, người thợ kiểm soát và xử lý kịp thời phát sinh trên thực tế. Công nghệ mới về khoan hiện đại hiện giúp chỉnh hướng khoan, có thiết bị đo kèm theo, dự báo được địa tầng.
Cùng với các ngành nghề kỹ thuật, khối ngành nghề dịch vụ cũng được nhà trường tiếp cận sớm với thực tế công việc. Em Hà Công Hải, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, chuyên ngành chế biến món ăn cho biết, từ năm thứ nhất em đã được thực tập tại các nhà hàng, khách sạn. Học sinh, sinh viên được thực tập tại các khách sạn 5 sao nên được trải nghiệm dịch vụ cao cấp, chuyên nghiệp. Em được hướng dẫn từ cách cầm dao, thái, trộn salat…
Tương tự, tại trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, các học viên cũng được thực hành ngay trên ghế nhà trường. May mắn có những trải nghiệm thực tế, anh Nguyễn Xuân Thìn, trưởng phòng sản xuất Công ty Vina Tak (Khu công nghiệp Long Thành, Đông Nai) đã nhanh chóng có được vị trí vững chắc sau khi tốt nghiệp. “Tôi học tại trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 về nghề hàn và khi vào làm được công ty phía Nhật đào tạo thêm về công nghệ hàn tự động. Kiến thức học tại trường ứng dụng ngay tại thực tế. Công ty cũng tiếp nhận sinh viên trường về thực tập và nhận các bạn nếu có nhu cầu làm việc tại xưởng. Hiện 90% nhân sự làm xưởng sản xuất là sinh viên, học sinh học tại trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 vốn từng được thực tập tại đây”.
Thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tự hào cho biết, hiện nhân lực do trường đào tạo không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Đức, có lớp học xong đưa sang Đức làm việc.
Tín hiệu vui trong chuyển hướng đào tạo
Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu khẳng định, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo không chỉ giúp các em sớm tích luỹ kinh nghiệm nhưng cũng là tạo cơ hội cho các em có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã ký kết hợp tác với 5 đối tác là khách sạn 5 sao để tạo điều kiện cho các em được thực tập với môi trường chuyên nghiệp nhất như Khu du lịch Melia Hồ Tràm, Khách sạn Vias Vũng Tàu, Cụm khách sạn Grand-Palace-Rex, Khu Du lịch Marina Bay Vũng Tàu, Khu du lịch Agsana Hồ Tràm.
Còn với trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, thầy Nguyễn Khánh Cường chia sẻ: “Trong thời đại này, kỹ thuật viên ra trường phải hội tụ kỹ năng và kỹ năng mềm. Về kỹ năng, nhà trường cập nhật xây dựng chương trình đạt tiêu chuẩn Đức các ngành nghề cơ khí cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng, cơ điện tử công nghiệp… Chúng tôi phát triển ngành nghề khác như rô bốt công nghiệp, tự đống hoá… đạt chuẩn châu Âu. Đó là yêu cầu cần thiết đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ngoài ra phải đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, huấn luyện nhóm, hội nhập, kỷ luật và cách thức làm việc hội nhập quốc tế... Nhà trường luôn nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, triển khai mô hình đào tạo phối hợp từ mô hình đào tạo kép của Đức, thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp từ đầu, tham gia quá trình đào tạo”.
Cũng theo thầy Nguyễn Khánh Cường, nếu tất cả các trường cao đẳng, dạy nghề trên cả nước đều vận hành tốt mô hình đào tạo phối hợp với các công ty, nhà hàng... thì cơ hội kiếm việc của các sinh viên trường nghề luôn rộng mở. Học sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn trường sau 12 năm dùi mài kinh sử.
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một trong những thành công năm học trước là đã kết nối nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo cùng với các trường nghề, có những trường nghề ký kết hợp tác với 70-80 doanh nghiệp. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển hướng đào tạo theo hướng giảm tải lý thuyết, tăng cường thực hành.