Phát biểu họp báo ngày 12/8, Tổng cục trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto Suryodipuro cho biết Jakarta đặt mục tiêu đặt nền tảng hợp tác ASEAN nhằm giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai. Quan chức này nhận định: "Để đạt được điều đó, chúng ta phải củng cố thể chế của ASEAN và các cơ chế hoạt động", đồng thời cho rằng một số khía cạnh cần tăng cường như nguồn nhân lực trong cộng đồng ASEAN, đối thoại về nhân quyền, cũng như hợp tác biển giữa các nước thành viên.
Các cuộc thảo luận về củng cố các thể chế của ASEAN đã được khởi động theo sáng kiến của Indonesia từ năm 2022 với các khuyến nghị của Nhóm đặc trách cấp cao về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) liên quan đến việc tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thảo luận vấn đề này với HLTF-ACV tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại thị trấn Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia. Tại hội nghị trên, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, trong đó có việc tạo điều kiện cho ASEAN ứng phó kịp thời với các cuộc khủng hoảng và tình huống khẩn cấp.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta sẽ không chỉ thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN mà còn cả các đối tác bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Theo ông Suryodipuro, Indonesia dự kiến đón 27 nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế, trong đó có 18 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Thủ tướng Canada, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo kế hoạch, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì EAS, trong đó quy tụ 18 quốc gia, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.