Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan đã tạo ra một cú giật gân trong giới truyền thông.
Các nhà đối lập của Tổng thống Trump đã tranh thủ cơ hội để đưa ra dự đoán rằng ông Trump sẽ bị Tổng thống Putin "đánh lừa" tại cuộc hội đàm thượng đỉnh.
"Nếu ông ta ngồi đối diện với Vladimir Putin, một nhà thương thuyết lão luyện, có thể mọi thứ sẽ đi lệch khỏi đường ray", nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN, Samantha Vinograd chia sẻ cảm nghĩ về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sắp tới.
Tạp chí New York của Mỹ tuyên bố rằng "Putin có mọi lá bài" trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới và cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ dễ dàng rơi vào "bùa mê" của nhà lãnh đạo Nga. Tạp chí này nhắc lại việc trước đó Tổng thống Trump đã chúc mừng người đồng cấp Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, qua đó "chống lại lời khuyên của tất cả mọi người" và nhấn mạnh rằng cả hai nhà lãnh đạo "thậm chí dành một giờ để thảo luận với nhau" bên lề cuộc họp G20 năm 2017.
Phát biểu với phóng viên CNN - Anderson Cooper, cựu sĩ quan quân đội Mỹ Ralph Peters thậm chí đã đi xa hơn khi so sánh Putin với một "chú gấu Nga" và Trump với "đứa trẻ sơ sinh".
"Nếu John Bolton - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, có thể phụng sự tổ quốc, ông ta nên ngăn chặn cuộc hội đàm khép kín này", cựu sĩ quan Peters nhấn mạnh.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul, đã đăng trên Twitter rằng Tổng thống Mỹ đã "đứng về phe" nhà lãnh đạo Nga và có thể ông Trump "tiếp tục gợi ý những nhượng bộ mà ông có thể đưa ra cho Putin".
Còn đối với Anders Aslund, một nhà kinh tế Thụy Điển và là thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương, ông tin rằng Tổng thống Trump không phải là người duy nhất bị Vladimir Putin mê hoặc: "Sau nhiều thập niên nổi lên với đường lối chống Nga, cố vấn Bolton lại tan chảy khi gặp Tổng thống Nga. Điều này không quá ấn tượng”, ông Aslund đăng trên Twitter.
Tờ The Sunday Times của Anh bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể "làm suy yếu NATO bằng cách gây ấn tượng với Tổng thống Putin". Theo tờ này, Tổng thống Mỹ "có thể được thuyết phục để hạ thấp các cam kết quân sự của Mỹ ở châu Âu", do đó khiến các đồng minh EU có thể bị đe dọa an ninh bởi Nga.
Tờ New Yorker lại viết rằng Nga chỉ tìm cách cải thiện quan hệ song phương đã xuống mức thấp nhất trong vòng vài tháng qua: "Trong nhiều tháng, Nga đã không có nhiều chính sách để giải quyết vấn đề với Mỹ ngoài việc hy vọng rằng mọi thứ sẽ không tồi tệ hơn nữa liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới hay một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp ở Syria và chờ đợi một hội nghị thượng đỉnh để giải quyết vấn đề".
Tờ báo này cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Singapore ngày 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở nên "hữu ích" đối với người Nga, qua đó cho thấy hy vọng rằng ông Trump là một nhà đàm phán thực dụng.
Trong khi đó, các nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách của Nga đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin, đồng thời cho rằng họ không mong đợi bất kỳ đột phá nào.
Phát biểu trước các phóng viên tại Madrid, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho rằng trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh có thể là cuộc chiến chống khủng bố. Về phần mình, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov bày tỏ hy vọng rằng hai nhà lãnh đạo có thể bắt đầu thảo luận về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) và Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) giữa các vấn đề khác và thiết lập nhóm an ninh mạng chung.
"Tôi chắc chắn rằng không thể loại bỏ mọi trở ngại trên con đường hợp tác lẫn nhau của chúng ta, nhưng sẽ có tiến bộ về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu", Đại sứ Anatoly Antonov cho biết.
Theo Sputnik