Đây là báo cáo toàn cầu đầu tiên về chăm sóc và giáo dục mầm non, do UNESCO và UNICEF đồng xuất bản. Báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của ECCE trong phát triển tiềm năng của trẻ em và thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng hiện nay, 37% trẻ em trên thế giới, tương đương hơn 300 triệu trẻ có nguy cơ không biết đọc, viết vào năm 2030.
Báo cáo đề xuất 9 khuyến nghị thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 (SDG 4) về giáo dục chất lượng. Những khuyến nghị này tập trung giải quyết thách thức toàn cầu về cơ hội học tập của trẻ em, thúc đẩy một hệ sinh thái giáo dục, hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em và gia đình. Báo cáo còn đưa ra lời cảnh báo về tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non trầm trọng, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp. Ước tính cần bổ sung ít nhất 6 triệu giáo viên vào năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các bé mầm non được học tập trong môi trường chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có nguồn tài chính khổng lồ lên đến 21 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh việc tập trung vào công tác giáo dục, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cha mẹ, gia đình trong việc tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ tại nhà. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường thông qua các chương trình và chính sách hỗ trợ toàn diện. UNESCO kêu gọi các chính phủ đầu tư tuyển dụng và đào tạo nhân viên ECCE có trình độ, bao gồm giáo viên, người hướng dẫn và cán bộ hỗ trợ.