Các nhà tổ chức ước tính rằng hơn 400.000 người đã tham gia cuộc biểu tình, trong khi cảnh sát cho biết 138.000 người đã tham gia tuần hành.
Đến khi màn đêm buông xuống, hàng nghìn người bất chấp lệnh cấm của cảnh sát đã liên tục áp sát khu vực xung quanh văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc.
Những người biểu tình phun sơn khẩu hiệu lên các bức tường gần tòa nhà, rồi nhanh chóng rút lui sau khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện.
Những cuộc giao tranh lẻ tẻ liên tục tiếp diễn giữa đám đông người biểu tình và cảnh sát tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Lực lượng chấp pháp Hong Kong sau đó đã sử dụng dùi cui và hơi cay để giải tán đám đông các thanh niên quá khích.
Hong Kong đã bước sang tuần thứ bảy bất ổn liên tiếp khi hàng chục nghìn người đổ ra đường phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền đặc khu, phong trào biểu tình này ngày càng phát triển và dần trở thành một cuộc kêu gọi cải cách dân chủ.
Trước sức ép của dư luận, vào ngày 16/8 đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã chính thức lên tiếng tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết và không có kế hoạch hồi sinh", ngoài ra bà Lam đã phải xin lỗi vì đã không tham khảo ý kiến của người dân - một động thái chưa từng có tiền lệ.
Cảnh sát Hong Kong buộc phải sử dụng hơi cay để ngăn cản dòng người quá khích. Ảnh: AFP |
Mặt trận Nhân quyền Dân sự, tổ chức đứng sau các cuộc tuần hành vào Chủ nhật, đang yêu cầu một cuộc điều tra độc lập các hành vi tấn công người biểu tình của cảnh sát cũng như thả tự do cho các đối tượng quá khích bị bắt giữ.
Mặc cho tuyên bố của chính quyền đặc khu về sự chấm dứt của dự luật dẫn độ, những người biểu tình vẫn chưa có ý định dừng lại khi tiếp tục đổ ra đường và kêu gọi bà Carrie Lam từ chức, cũng như tiến hành các cải cách dân chủ tại đặc khu Hong Kong.
Tình hình an ninh tại Hong Kong càng trở nên bất ổn hơn khi vào thứ Sáu, cảnh sát đã bắt giữ 3 người đàn ông có hành vi chế tạo 2 kg chất nổ và nhiều vũ khí khác cũng đã được phát hiện. Tờ rơi liên quan đến các cuộc biểu tình dự luật chống dẫn độ cũng được tìm thấy tại hiện trường
Trước đó vào Chủ nhật, khoảng 4.000 viên chức đã xuống đường trong một cuộc tuần hành im lặng nhằm kêu gọi bà Lam từ chức, cũng như bãi bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ và yêu cầu quyền bầu cử phổ thông.
Phe ủng hộ chính quyền lên tiếng
Xã hội Hong Kong những ngày này đang bị chia làm hai nửa, khi nhiều người cũng đổ ra đường tuần hành nhằm ủng hộ lực lượng cảnh sát và chính quyền đặc khu.
Vào thứ Bảy, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại một cuộc mít tinh ở Công viên Tamar để "bảo vệ Hong Kong" khỏi cái gọi là "bạo lực" của những người biểu tình chống luật dẫn độ.
Lực lượng cảnh sát thành phố đã bị kiểm tra gắt gao trong những tuần gần đây sau một loạt các vụ đụng độ dữ dội với những người biểu tình trẻ tuổi. Nhiều người dân đã cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, và chỉ trích việc sử dụng đạn cao su và hơi cay.
Kay Chan, 39 tuổi, một nhân viên truyền thông cho biết: "Không phải mọi người dân Hong Kong đều chống lại lực lượng cảnh sát. Vẫn còn rất nhiều người trong chúng tôi ủng hộ họ và rất nhiều người trong chúng tôi ủng hộ chính phủ của mình. Và tôi cũng ủng hộ chính phủ Trung Quốc".
Một trong những mục tiêu của cuộc tuần hành hôm thứ Bảy là nhằm lên tiếng ủng hộ lực lượng này, các nhà tổ chức cho biết.
"Ai cho chúng tôi luật pháp ở Hong Kong? Ai cho chúng tôi sự tự tin? Đó là cảnh sát Hong Kong. Họ đang làm rất tốt", ông David Lan - một người ủng hộ chính quyền, bày tỏ quan điểm.