Cuộc biểu tình ở thị trấn Thượng Thủy cách không xa thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, bắt đầu một cách ôn hòa nhưng dần biến tướng trở thành một cuộc bạo động. Người biểu tình đã ném ô và mũ bảo hiểm vào cảnh sát, khiến lực lượng an ninh phải dùng tới hơi cay.
Sau đó, cảnh sát Hong Kong kêu gọi người biểu tình kiềm chế bạo lực và rời khỏi khu vực. Đến khoảng 20h30 (giờ địa phương), hầu hết người dân đã rút lui khi lực lượng chống bạo động được điều tới hiện trường.
Đây là cuộc đụng độ mới nhất giữa người dân và chính quyền đặc khu Hong Kong trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang kể từ khi dự luật dẫn độ mới được ban bố.
Các cuộc biểu tình đã thu hút hàng triệu người tham gia, hàng trăm người thậm chí xông vào cơ quan lập pháp của đặc khu vào ngày 1/7 để phản đối chính quyền.
Trưởng đặc khu Carrie Lam tuần này cho biết dự luật "đã chết", sau khi đình chỉ nó vào tháng trước, sau khi vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía dư luận.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật chủ yếu diễn ra tại khu thương mại chính của Hong Kong, nhưng những người biểu tình gần đây đã bắt đầu tìm tới các địa điểm nhỏ hẹp hơn nhưng hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng với chính quyền.
Tại Thượng Thủy, nhiều người đã đổ ra đường phản đối sự có mặt của các thương nhân từ phía đại lục, những người mua hàng hóa tại Hong Kong rồi đem về bán tại Trung Quốc.
Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu và giơ các biểu ngữ bằng tiếng Quan thoại, nhằm kêu gọi các thương nhân đại lục quay trở về đất liền. Nhiều cửa hàng tại thị trấn này đã phải đóng cửa do vụ việc này.
Các thương nhân đại lục từ lâu đã trở thành nguồn cơn giận dữ đối với nhiều người Hong Kong khi cho rằng rằng họ đã thúc đẩy lạm phát, đẩy giá bất động sản, trốn thuế,...Các thương nhân đại lục đã lợi dụng ưu đãi mua hàng miễn thuế để kiếm lời, gây bất bình cho các hộ kinh doanh Hong Kong.
"Thị trấn của chúng tôi đã trở nên hỗn loạn", ông Ryan Lai, cư dân Thượng Thủy, cho biết.
"Chúng tôi không muốn công việc kinh doanh và ngành du lịch bị đình trệ, nhưng xin hãy làm mọi thứ một cách trật tự và hợp pháp. Dự luật dẫn độ chỉ là ngọn lửa khiến chúng tôi bùng phát. Chúng tôi muốn Thượng Thủy quay trở lại như cũ", người đàn ông 50 tuổi cho biết.