Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5: Kiềm chế tăng giá xăng dầu, kiểm soát tín dụng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kiểm soát tín dụng lĩnh vực bất động sản, những định hướng phát triển thị trường và vốn ở lĩnh vực này; biện pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu… là những vấn đề báo giới quan tâm đặt câu hỏi tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, diễn ra chiều 4/6.
Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản

Trao đổi về việc kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, về phía Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh). Đây là một trong những Chương trình rất quan trọng, các ngân hàng thương mại cùng Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành đang triển khai tích cực.

Đề cập đến việc gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng bất động sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như vậy.

"Từ trước tới nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có dấu hiệu đầu cơ, lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay, tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo", ông nói.

Theo ông Đào Minh Tú, tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thậm chí, trong Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN (hướng dẫn Nghị định 31/2022/NĐ-CP), đã quy định dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.

"Bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường", khẳng định điều này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, đến giữa tháng 4, tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 tăng nhanh hơn.

Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Ba biện pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu

Trước tình hình giá xăng, dầu tăng liên tục và tăng ở mức cao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ, Bộ Công Thương rất chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng, dầu trong đời sống và trong sản xuất kinh doanh. Theo ông, Lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân, cũng như xăng, dầu cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP (về kinh doanh xăng dầu) và Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi một số nội dung của Nghị định 83/2014/NĐ-CP) trong điều hành giá xăng, dầu, nhằm mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh ba biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện nhằm kiềm chế cao nhất mức tăng của giá xăng, dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước hết, chúng ta cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Vừa qua, giá xăng, dầu tăng gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp, và cũng là sức ép lớn đối với sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore từ đầu năm đến ngày 1/6 tăng 45,6-63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá suốt thời gian vừa qua, giá xăng, dầu trong nước chỉ tăng 27,29-47,89%, mức tăng của chúng ta thấp hơn mức tăng của thế giới.

Biện pháp thứ hai, theo Thứ trưởng, là phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng, dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu.

Cho rằng, để giảm được mức tăng giá xăng, dầu, trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành khác, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến biện pháp thứ ba là hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay. Ông bày tỏ tin tưởng với những biện pháp hiện nay và sắp tới, sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng, dầu trong khả năng cho phép.

Báo cáo thêm về các chính sách thuế thực hiện điều tiết giá xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay, các chính sách thuế đang áp dụng gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.

Trung bình các nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng, dầu chiếm khoảng 45-60% (trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn). Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỷ trọng thuế với xăng khoảng 29-31%, còn đối với dầu diesel khoảng 13,3%. Thuế và lệ phí không quy định thu trên xăng, dầu. "Như vậy, có thể thấy thuế với xăng, dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới", ông nói.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cũng chia sẻ, trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao thời gian vừa qua, "những nguời làm quản lý giá chúng tôi cũng rất lo lắng giá xăng, dầu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đây là thách thức lớn trong năm 2022".

Về thuế bảo vệ môi trường, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã giảm 50%. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50-70% để hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Ngày 21/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ về biểu thuế xuất - nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hóa các nguồn cung xăng, dầu.

"Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, không có quy định về việc miễn giảm thuế đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt của chúng ta hiện nay với mặt hàng xăng cũng đang ở mức thấp trên thế giới", Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho hay./.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.