Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng "Huawei đang lâm nguy khi người dân trên khắp thế giới đã thức tỉnh trước nguy cơ bị giám sát bởi Trung Quốc".
"Những nhận xét đó chỉ là đòn phủ đầu", Carisa Nietsche - một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu New America Security, cho biết.
Ông Pompeo cũng hoan nghênh các quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Estonia vì "chỉ cho phép các nhà cung cấp mạng 5G đáng tin cậy".
Nhưng Nietsche cho rằng quyết định này không phải là nhất thời mà đã được tính toán từ lâu. Còn các "ông lớn" của châu Âu như Anh, Pháp và Đức, vẫn chưa công bố lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei.
"Nhưng trên toàn châu Âu đang có một sự biến đổi", Nietsche nhận định.
Các nước châu Âu và các nhà mạng di động hiện đang lo lắng rằng Huawei sẽ không thể cung cấp cơ sở hạ tầng 5G như đã hứa do các "đòn cấm vận" của chính quyền Trump.
"Huawei đang lâm nguy"
Năm ngoái, Nhà Trấng đã cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và vật tư cho Huawei mà không xin giấy phép từ trước. Huawei đã dự trữ hàng tồn kho và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, kết quả là công ty Trung Quốc vẫn có thể tồn tại bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
Tuy nhiên, doanh số điện thoại thông minh ở nước ngoài của Huawei đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sản phẩm của họ không thể cài đặt các ứng dụng phổ biến của Google.
Dù đã "đào thoát ngoạn mục" khỏi viễn cảnh khủng hoảng trong năm 2019, ban lãnh đạo Huawei vẫn cảnh báo rằng năm 2020 sẽ "đầy khó khăn".
Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ được công bố vào tháng 5 gây ra nhiều thiệt hại hơn so với phiên bản năm 2019.
Các quy định mới sẽ áp dụng cho bất kỳ công ty toàn cầu nào sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn. Một ví dụ tiêu biểu là TSMC - một công ty có trụ sở tại Đài Loan, không thể bán linh kiện và các thành phần quan trọng khác cho Huawei.
"Không có những linh kiện này, Huawei không thể xây dựng các trạm phát sóng 5G", nhà phân tích Edison Lee của công ty môi giới Jefferies cho biết. "Dựa trên quy tắc xuất khẩu hiện tại mà Mỹ đưa ra, tôi thực sự nghĩ rằng việc kinh doanh thiết bị 5G của Huawei đang lâm nguy".
"Nếu luật không thay đổi và nếu căng thẳng Mỹ-Trung không giảm leo thang, thì tôi nghĩ có nguy cơ lớn rằng Huawei sẽ ngừng cung cấp thiết bị 5G từ đầu năm tới", vị chuyên gia nói thêm.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Huawei - Evita Cao, cho biết "công ty tiếp tục nhận được hỗ trợ từ khách hàng của mình" mà không đi sâu vào chi tiết.
Công ty cho biết vào tháng 5 rằng họ "phản đối một cách có căn cứ" lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, gọi quy định mới này là "phân biệt đối xử".
"Nó sẽ có tác động nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp toàn cầu" và làm hỏng "sự hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới", Huawei cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi hy vọng rằng việc kinh doanh của mình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
Vương quốc Anh có thể nổ phát súng đầu tiên cho làn sóng "tẩy chay" Huawei tại châu Âu.
Hôm thứ Bảy tuần trước, tờ Telegraph đưa tin Thủ tướng Boris Johnson đã "sẵn sàng bắt đầu loại bỏ công nghệ 5G của Huawei ngay trong năm nay", rút lại quyết định trao cho Huawei một vai trò hạn chế trong việc xây dựng hệ thống mạng viễn thông thế hệ mới.
Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Oliver Dowden nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ "có thể có tác động đến khả năng tồn tại của Huawei với tư cách là nhà cung cấp mạng 5G".
"Tôi không phải là người bài Trung Quốc, tôi cũng sẽ không bị lôi kéo vào tư tưởng đó", Johnson nói hôm thứ Ba. Nhưng "Tôi muốn thấy cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia được bảo vệ đúng cách, vì vậy chúng ta cần phải đạt được sự cân bằng đó."
Đầu năm nay, Huawei cho biết đã bảo đảm 91 hợp đồng 5G thương mại, hơn một nửa (47) ở châu Âu, 27 ở châu Á và 17 ở những nơi khác trên thế giới.
Nạn nhân các cuộc đối đầu
Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Huawei mối quan hệ "mập mờ" giữa công ty viễn thông này với chính phủ Trung Quốc. Có thuyết âm mưu cho rằng các thiết bị của Huawei sẽ gửi dữ liệu về cho chính phủ Trung Quốc nhằm mục đích do thám.
Đại diện Huawei đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết này và tuyên bố họ là một công ty độc lập.
Tuy nhiên, công ty này vẫn luôn bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ngoài ra châu Âu và Ấn Độ đang ngày càng tỏ ra cảnh giác trước Huawei.
Đại dịch COVID-19 đã làm căng thẳng thêm các mối quan hệ. Một số quốc gia, tiêu biểu là Mỹ, đã đổ lỗi cho Trung Quốc làm lây lan dịch bệnh.
"Có một khoảnh khắc vào đầu đại dịch khi mà Trung Quốc có thể khẳng định mình là một tân lãnh đạo thế giới nhưng họ đã bỏ lỡ nó, nhất là khi nhiều quốc gia châu Âu nghi ngờ chất lượng khẩu trang và thiết bị y tế có nguồn gốc Trung Quốc", bà Nietsche nói.
Các nước EU lo ngại về mối quan hệ đầu tư và thương mại của họ với Trung Quốc, cũng như thực hiện các động thái nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp châu Âu hoặc giành được các hợp đồng.
"Hiện tại có tín hiệu đến từ Đức và Vương quốc Anh rằng họ sẽ chuyển sang loại trừ hoặc ít nhất sẽ không dựa dẫm quá nhiều vào Huawei", Nietsche nói. "Ví dụ, Đức đang xem xét kỹ lưỡng các luồng dữ liệu của Huawei để xem liệu công ty có vi phạm luật pháp châu Âu hay không".
Chaitanya Giri, một nhà phân tích của chính sách đối ngoại Ấn Độ nghĩ rằng căng thẳng mới nhất giữa hai nước có thể khiến chính quyền New Dehli xem xét lại quyết định "bật đèn xanh" cho Huawei triển khai công nghệ 5G vào cuối năm ngoái.
Đã xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và mới đây Tiktok cùng nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc đã bị cấm ở Ấn Độ.
"Huawei có thể bị cuốn vào cuộc đụng độ này", theo Giri. "Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay các thiết bị của Trung Quốc".
Những gì châu Âu và Ấn Độ cùng cảm nhận được là cảm giác ngày càng khó chịu sau nhiều năm đầu tư đáng kể của Trung Quốc, theo Giri.
"Các quốc gia này đang dần đứng về một phía chiến tuyến. Họ đã nhận ra những nguy cơ", ông Giri nói.