Sáng nay (31/7), một quan chức cấp cao của IMF tuyên bố: “Để đảm bảo sự ổn định, cả hai bên cần đưa ra những quyết định khó khăn. Về phần Hy Lạp là cải cách, về phía các đối tác châu Âu là việc giảm nợ cho Athens”.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến với báo giới, một đại diện của IMF cũng khẳng định rằng định chế tài chính này chỉ có thể hỗ trợ "một chương trình tổng thể", đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên (phía Hy Lạp và các đối tác châu Âu) sẽ sớm đạt được một thỏa thuận liên quan, trong đó phải đảm bảo chắc chắn rằng Athens có thể trả các món nợ.
Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. |
Mặc dù nhấn mạnh chưa thể tham gia cứu trợ cho Hy Lạp, song IMF cũng khẳng định sẽ vẫn tham dự vào các cuộc đàm phán để thúc đẩy tiến trình này.
Trong khi đó, phát biểu trước phiên họp với Đảng Syriza tại Athens vào ngày 30/7, ông Tsipras đã cố gắng bảo vệ gói cứu trợ tài chính 86 tỷ euro của các chủ nợ quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại các chủ nợ châu Âu vẫn chưa xem xét phương án giảm nợ cho Hy Lạp. Trong thỏa thuận sơ bộ các bên đạt được ngày 13-7, EU đề nghị IMF tham gia gói cứu trợ thứ ba dành cho Athens.
Trong khi đó ở Athens, Thủ tướng Alexis Tsipras đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đêm qua, Đảng Syriza cầm quyền ủng hộ đề xuất của ông Tsipras là mở cuộc đại hội đảng bất thường để giải quyết vấn đề nhiều nghị sĩ Syriza chống đối các điều kiện ngặt nghèo Hi Lạp phải thực hiện để nhận cứu trợ.
Mục tiêu của đại hội là xác định chiến lược của chính phủ và bảo vệ sự thống nhất của Đảng Syriza. Ông Tsipras đe dọa sẽ tổ chức bầu cử sớm nếu các nghị sĩ cứng rắn tiếp tục phản đối gói cứu trợ.
Athens hy vọng kết thúc tiến trình đàm phán chi tiết cho gói cứu trợ này trước ngày 20/8 tới, thời điểm nước này phải trả các khoản nợ.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm: