Trụ sở hành chính mới sẽ được xây ở khu vực nằm giữa vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông East Kalimantan, ông Widodo hôm nay nói với báo giới.
Việc di dời thủ đô đến nơi cách Jakarta 1.400km sẽ giúp phân tán các hoạt động kinh tế ra khỏi Java, đảo đông dân nhất của đất nước. Chi phí di dời dự kiến sẽ là 466 nghìn tỷ rupiah (32,8 tỷ USD).
“Là một quốc gia rộng lớn đã độc lập 74 năm, Indonesia chưa bao giờ tự chọn thủ đô của mình”, ông Widodo nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình.
“Gánh nặng mà Jakarta đang chịu hiện nay quá sức khi phải là trung tâm của quản trị, kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ của đất nước”, ông Widodo nói.
Ông cho biết tính cấp thiết phải chuyển thủ đô đã được bàn nhiều trong mấy chục năm qua, nhưng chưa được những người tiền nhiệm của ông nêu công khai.
Với một Jakarta có khoảng 30 triệu dân, giao thông luôn bị tắc nghẽn và ô nhiễm không khí ở mức cao, những nỗ lực nhằm cải thiện giao thông đạt được rất ít tiến triển vì hàng ngàn chiếc ô-tô được bổ sung vào giao thông mỗi năm.
Với mật độ hơn 15.000 người/km2, gấp đôi mật độ ở Singapore, còn rất ít không gian để xây thêm nhà nếu không tái định cư hàng ngàn gia đình. Một vấn đề nghiêm trọng khác là 40% diện tích thành phố đang nằm dưới mực nước biển và nhiều khu vực đang chìm thêm 20cm mỗi năm.
Các chuyên gia môi trường cảnh báo một phần đáng kể của thủ đô được chọn từ thời còn là thuộc địa của Hà Lan này sẽ bị chìm vào năm 2050 nếu tốc độ hiện nay tiếp tục.
Tình trạng giao thông tồi tệ của Jakarta là hệ quả của việc thành phố đóng quá nhiều vai trò trong nền kinh tế. Khu vực này tạo ra gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia. Tắc đường và hệ thống giao thông công cộng ngốn khoảng 100 nghìn rupiah (7 tỷ USD) mỗi năm vì thiệt hại kinh tế, theo ước tính chính thức.
Chi phí di dời lên đến 466 nghìn tỷ rupiah nếu phải giải phóng và xây dựng trên 40.000 hectare đất cho khoảng 1,5 triệu dân.
Ông Widodo cho rằng việc di dời thủ đô sẽ giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở quốc gia được tạo nên từ hơn 17.000 hòn đảo. Trong khi Java chiếm gần 60% dân số của đất nước và đóng góp khoảng 58% GDP, tỉnh Kalimantan chỉ chiếm 5,8% dân số và đóng góp 8,2% GDP.