Lộ trình này gồm 4 chiến lược: áp dụng công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hạn chế đốt bỏ khí đồng hành; tối ưu hóa việc sử dụng khí tự nhiên trong các hộ gia đình và giao thông; và giảm phát thải khí methane.
Trong một tuyên bố ngày 3/12, Vụ trưởng Vụ Phát triển dầu khí thuộc ESDM Dwi Anggoro Ismukurnianto cho biết chính phủ có kế hoạch triển khai CCUS để tăng sản lượng dầu khí và lưu trữ khoảng 48 triệu tấn carbon quy đổi. Ba khu mỏ đang thử nghiệm công nghệ CCUS gồm Gundih, Sukowati, và Tangguh. Chính phủ đặt mục tiêu bắt đầu triển khai CCUS tại Gundih vào năm 2024 hoặc 2025 với công suất lưu trữ 3 triệu tấn carbon trong vòng 10 năm.
Vụ trưởng Ismukurnianto cho hay chiến lược thứ hai là hạn chế việc đốt bỏ khí đồng hành được ghi trong Quy định số 17/2021 của Bộ trưởng ESDM liên quan đến quản lý khí đốt trong ngành dầu khí.
Chiến lược thứ ba là tối ưu hóa việc sử dụng khí đốt tự nhiên trong các hộ gia đình và phương tiện giao thông. Từ năm 2009, Chính phủ Indonesia đã xây dựng mạng lưới khí đốt cung cấp cho các hộ gia đình với mục tiêu cắt giảm 654.000 tấn carbon vào năm 2024.
Theo Vụ trưởng Ismukurnianto, việc chuyển đổi dầu hỏa sang khí đốt ước tính sẽ giảm được 15,39 triệu tấn carbon vào năm 2024. Trong khi đó, việc sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu giao thông công cộng ước tính đã giúp cắt giảm 178.000 tấn carbon vào năm 2019.
Chiến lược thứ tư tập trung vào việc giảm phát thải khí methane. Hiện Indonesia ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có methane, và sẵn sàng hợp tác cắt giảm phát thải khí methane trên toàn cầu.