Phát biểu trên truyền hình, ông Kamalvandi cho biết Iran từ chối nhiều cam kết trong đó có việc xây dựng cơ sở Fordow thành trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc tế. Ông nói rõ, tới đây công suất của nhà máy Fordow sẽ được tăng lên, góp phần đưa chỉ số làm việc của các lò giàu urani từ 8.600 SWU lên 9.500, tức là gần với mức trước thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ngày 6/11, Iran đã bắt đầu bơm khí urani vào các lò ly tâm, có nghĩa là bắt đầu giai đoạn thứ tư của kế hoạch thu hẹp cam kết của nước này đối với JCPOA, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Tehran.
Đại diện AEOI cũng cho biết Iran có thể từ chối cải tạo lò phản ứng Arak. Ông Kamalvandi tuyên bố nếu các bên tham gia thỏa thuận không sớm có biện pháp thực hiện cam kết thì Tehran sẽ nối lại dự án lò nước nặng ở Arak. Theo người phát ngôn AEOI, Iran có "lý do nặng ký" để không cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IEEA) tiếp cận cơ sở tại Natanz hồi tuần trước. Theo AEOI, máy rà soát tại nhà máy đã phát hiện có chất liệu "khả nghi" ở các chuyên gia này. AEOI đã thông báo với IAEA đồng thời hủy giấy phép thanh tra của các chuyên gia.
Theo JCPOA năm 2015, Iran nhất trí đưa cơ sở Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, còn 1.044 máy ly tâm tại đây sẽ được sử dụng vì các mục đích khác chứ không phải làm giàu urani, như sản xuất các dạng nguyên tử đồng vị không phóng xạ với nhiều mục đích dân sự. Tuy nhiên, các động thái của Mỹ như rút khỏi thỏa thuận, áp đặt trừng phạt trở lại Tehran đã dẫn đến việc Iran thu hẹp dần các cam kết trên. Iran cũng cáo buộc các nước châu Âu đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kinh tế của mình, đe dọa đến thỏa thuận.