Sau khi đại dịch COVID-19 tàn phá Italy, người dân ở nhiều quốc gia lân cận vẫn đang rất do dự khi quyết định tới quốc gia này. Áo và Thụy Sĩ vẫn đang đóng cửa hoàn toàn biên giới tiếp giáp với Italy.
“Chúng tôi mong rằng kể từ giờ mọi chuyện sẽ ổn hơn, nhưng vẫn chưa có bất kỳ phòng nào được đặt trong tuần này và thậm chí là cả tuần sau,” Alessandra Conti - nhân viên lễ tân tại khách sạn Albergo del Senato nằm đối diện đền Pantheon ở thủ đô Rome chia sẻ.
Tuy nhiên, những chuyến đò trên kênh đào Venice đã hoạt động trở lại, khách du lịch cũng đã bắt đầu được phép thăm những địa điểm du lịch nổi tiếng như đấu trường Colosseum và ban công Verona.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tuyên bố rằng quốc gia này đang trên đà hồi phục, khẳng định rằng những số liệu liên quan tới dịch COVID-19 tại Italy đang rất “tích cực”.
“Một bầu không khí đầy khích lệ đang lan tỏa, bầu không khí của sự hồi phục. Chúng ta đáng được nở nụ cười, và lạc quan sau tất cả những mất mát vừa rồi,” ông Conte nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Luigi Di Maio đã kêu gọi các nước châu Âu mở cửa biên giới với Italy.
“Chúng tôi đang chờ đợi sự phản hồi từ các nước châu Âu,” Bộ trưởng tuyên bố trong một cuộc họp báo.
Hiện tại, Italy là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với hơn 33.500 ca tử vong - số liệu lớn thứ ba trên toàn thế giới.
Lệnh cách ly xã hội được Italy thực hiện từ cuối tháng 3 vừa rồi, mặc dù nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề nhưng số lượng ca nhiễm đã giảm mạnh kể từ khi lệnh này có hiệu lực.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra được so sánh với những thiệt hại của Đại chiến thế giới lần thứ hai, vì vậy mà Italy đã cần khách du lịch hơn lúc nào hết.
Mặc dù vậy số ca nhiễm vẫn đang tăng, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc như Lombardy, và các chuyên gia khuyến cáo rằng có lẽ Rome đang quá vội vã khi mở cửa lại ngành du lịch và tiếp đón khách nước ngoài.
Chuyên gia dịch tễ học Massimo Galli chia sẻ rằng chính phủ chỉ nên giữ nguyên các lệnh cách ly cho đến tháng 7.