Đau nhói ở bụng sau một lần việc quá sức, ông Nhật vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám. Kết quả siêu âm ngày 25/12 cho thấy trong ổ bụng của ông có một chiếc kéo dài khoảng 15 cm, được cho là chiếc panh chuyên dùng để mổ của ngành y. 2 ngày sau ông đến siêu âm tại Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, kết quả tương tự.
Theo ông Nhật, trừ lần phẫu thuật cách đây 18 năm, ông chưa phải vào viện mổ lần nào nữa. Khi đó là tháng 6/1998, ông bị tai nạn giao thông khiến ghi đông xe đâm vào mạng sườn, được chuyển từ bệnh viện huyện ra bệnh viện đa khoa tỉnh và được chỉ định phẫu thuật. Sau mổ, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường.
"Thi thoảng tôi thấy đau bụng nhưng vẫn chịu được, với lại cứ 1-2 ngày là hết đau nên tôi cố chịu, cộng thêm nhà trong rừng không tiện đi bệnh viện nên từ đó đến nay tôi chưa đi viện kiểm tra lần nào. Mong muốn của tôi lúc này là sớm mổ lấy kéo ra", ông Nhật nói.
Hiện ông không còn giấy tờ chứng minh mình từng mổ tại bệnh viện thời điểm đó. Giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật ông đã nộp cho công an để làm hồ sơ.
Theo một lãnh đạo của Bệnh viện đ0a khoa Bắc Kạn, bệnh viện đã nhận được phản ánh của ông Nhật và đang kiểm tra lại những nhân viên y tế nào tham gia kíp mổ cho bệnh nhân năm 1998. Sau đó bệnh viện sẽ họp và đưa ra hướng xử lý cụ thể. Tuy nhiên, thời gian đã lâu, hồ sơ bệnh án của ông Nhật đã bị hủy.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, Sở đã chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện làm việc với gia đình người bệnh để đưa ra phương án tốt nhất, quan trọng là phẫu thuật lấy dị vật ra. Dự kiến các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tham gia ca mổ này để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Theo tiến sĩ Học, ca mổ cho ông Nhật năm 1998 là thời điểm mới tách tỉnh, bệnh viện khi đó có rất ít bác sĩ.