Đào đá mồ côi bằng thoả thuận cải tạo đất
Theo người dân ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), cách đây nhiều tháng có người lạ đến xin cải tạo đất rẫy giúp nông dân ở ấp 2. Họ cho biết sẽ đào đất, lấy đá mang đi và trả lại đất bằng phẳng. Người nông dân thấy có lợi khi không phải mất chi phí cho việc cải tạo nên đồng ý.
Sau “hợp đồng” ấy, hằng ngày, các xe cuốc đất được điều đến những thửa đất này đào bới loạn xạ. Rất nhiều tảng đá có kích thước và hình thù khác nhau được đào lên từ lòng đất, phân loại thành từng đống theo kích cỡ.
Đêm đến, nhiều xe ben, xe tải chạy vào khu vực tập kết đá, đưa những tảng đá mồ côi có đường kính trên 1,5m lên xe chở đi, khoảng 2-3 tảng trên một chiếc. Đá nhỏ được giao cho các người công nhân làm đá xây dựng. Từng đoàn xe ben đến chở đá làm đường hư hỏng, tai nạn giao thông liên tục xảy ra trên các trục đường nhựa nông thôn.
Đá mồ côi được xe cuốc đào lên chờ đêm xuống sẽ đưa lên xe ben chở đi đến xưởng cắt. |
Các xe ben này bắt đầu hoạt động từ khoảng 22h đêm đến 2h sáng hôm sau. Các xe chở đá tảng trên thùng không bửng hay cột giữ nên rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn, va quẹt xảy ra liên quan đến những chiếc xe ben chở đá mồ côi này.
Vụ việc gần nhất xảy ra vào khoảng 22h ngày 11/4, xe ben BS: 60C-330.25 chở 2 tảng đá được trùm kín bằng bạt chạy nhanh trong khu khai thác đá mồ côi ở ấp 6, xã Sông Nhạn (Trảng Bom) ra đường nhựa đã tông tử vong một thanh niên người Hoa (trú ở ấp 3, xã Sông Nhạn).
Anh Phúc, người dân địa phương bức xúc nói: “Chỉ trong vòng 2 tháng, xe ben chở đá mồ côi trong khu này đã tông chết 2 người. Hằng đêm, xe cuốc đào đá ầm ĩ, xe ben chạy rầm rầm làm dân không ai ngủ gì nổi. Trong khi đó, chính quyền thì không nghe không biết?”.
Xe ben chở đá mồ côi chỉ phủ bạt ngụy trang tông chết người ngày 11/4. |
San bằng quả đồi trong một tháng
Một chủ doanh nghiệp chở đá có tên tuổi ở khu vực Trảng Bom cho biết, mỗi chuyến xe ben chở đá vào công ty bán từ 4 đến 6 triệu đồng, giá này phụ thuộc vào xe chở đá to đẹp hay đá nhỏ xấu. Một đêm, bình quân mỗi xe chở khoảng 3 chuyến, cứ chạy đến 2h sáng là nghỉ.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, ai muốn có được chỗ khai thác ổn định phải thông qua “cò”. Người này tự nhận có mối quan hệ lớn ở trên. Trên một thửa đất, mỗi đêm có khoảng 5 chiếc xe ben hoạt động, đi về khoảng 20 chuyến. Việc khai thác với tần suất cao nên một tháng là xong việc đào bới một thửa đất. Cứ xong thửa này lại sang thửa khác, đến khi cả một vùng không còn đá mồ côi nữa thì xe đào đất, xe ben sẽ được điều đi nơi khác.
Người dân kể, một đồi đất trồng chuối cao khoảng 1m - 2m, chỉ sau một tháng bị đào xới, khai thác đá mồ côi đã biến thành đất bằng. Lúc này, chủ đất tiến hành cải tạo thêm rồi phân lô bán nền cho những người kinh doanh bất động sản.
Bãi đất sau khi khai thác xong đá mồ côi, chủ đất cải tạo rồi phân lô bán nền. |
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, Chủ tịch UBND xã Sông Trầu, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Hiện nay, thông tin khai thác đá mồ côi trên địa bàn thì xã chưa nắm cụ thể nhưng chúng tôi sẽ kiểm tra”.
Tiếp tục liên hệ với UBND huyện Trảng Bom, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch huyện nói: “Sau khi nhận thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ cho rà soát lại các điểm trên địa bàn”.
Về việc này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường Đặng Minh Đức cho biết: “Việc đào đất lấy đá mồ côi để cải tạo đất phải được quản lý và phối hợp của bên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng không thuộc diện khai thác khoáng sản. Việc khai thác như phản ánh thì UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo nghiêm cấm.”