Đá mồ côi được cắt thành tấm dày khoảng 3cm - là loại đá khi làm sân vườn không bám rong rêu nên có giá trị về mặt xây dựng và giá trị kinh tế lớn khi xuất khẩu.
Theo phản ánh của người dân, phóng viên có mặt ghi nhận thực tế tại một nhà xưởng của ông K. trên địa bàn tổ 1, ấp 6, xã Sông Trầu. Trong xưởng có 6 máy cắt đá lớn nằm dọc theo đống đá mồ côi chỉ cách nhà dân gần nhất hơn 50m. Nhà xưởng không bảng hiệu, nằm gần khu dân cư đường Nguyễn Hoàng (trước đây là đường Cây Gáo, nối QL1A vào Ngã ba Tân Lập). Cả phía trước và sau đều có đường để xe ben và tải chở đá ra vào.
Anh V.T.C cho biết, máy cắt đá chạy suốt ngày đêm vô cùng ồn ào. Người lớn không ngủ được còn trẻ em thì không học bài nổi. “Sau vụ tai nạn chết người thì không thấy xe ben chở đá vào nữa nên hôm nay xưởng không hoạt động. Chỉ chạy một máy mà nghe thế huống chi cả chục máy đồng loạt chạy thì sao chịu nổi. Chúng tôi nhiều lần báo với chính quyền nhưng không có cải thiện”.
Con đường phía sau Hợp tác xã Thông Nhất là nhiều xưởng cắt đá khác |
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết, nhiều lần nhận được phản ánh của dân, xã cũng chỉ tổ chức xác minh và báo lên huyện. Trên địa bàn xã có 7 xưởng cắt đá nhưng chỉ có một xưởng là Hợp tác xã Thống Nhất được phép khai thác do tỉnh cấp, các xưởng không phép đã bị xã lập biên bản nhiều lần rồi nhưng chuyển lên huyện thôi chứ không thuộc thẩm quyền xử lý của xã”.
Tại Hợp tác xã Thông Nhất có mặt tiền rộng khoảng 200m, phóng viên ghi nhận các kiện đá cắt rất đẹp, xếp ngay ngắn đầy sảnh đang chờ xuất đi. Phía sau xưởng này là xưởng cắt đá của bà Trần Thị Tỉnh, nằm trong khu dân cư. Trước đây xưởng này là Hợp tác xã Đại Nghĩa do một nguyên lãnh đạo huyện làm chủ nhiệm. Tại đây, các tấm đá có diện tích từ 1 - 2m2 được đóng kiện vào hộp gỗ, các tấm nhỏ kiện lại để bán cho nhu cầu lót sân vườn.
“Các xưởng cắt đá còn lại nằm sâu bên trong như Hàn Quốc, A Quay... vẫn đang hoạt động về đêm rất rầm rộ. Trong đó, xưởng của một người tên Cường là tập kết đá nhiều nhất”, nguồn tin của phóng viên cho biết.
Các tấm đá có diện tích từ 1 - 2m2 được đóng kiện vào hộp gỗ, các tấm nhỏ kiện lại để bán cho nhu cầu lót sân vườn. |
Chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết thêm: “Chúng tôi không thể chặn các xe chở đá khai thác được vì chức năng của xã chỉ tới đó thôi. Mấy ngày nay, UBND huyện tổ chức đi kiểm tra ban đêm liên tục nhưng các xưởng không hoạt động”.
Trao đổi về thông tin các máy cắt đá gây ồn và mất trật tự giao thông trên địa bàn xã Sông Trầu, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom khẳng định: “Chúng tôi kiểm tra ngay để chấn chỉnh”.
Luật Sư Phạm Quốc Vượng, Trưởng chi nhánh tại Thị trấn Trảng Bom của Công ty Luận Bùi Gia Nên TP.HCM nói: “Lấy đá ra khỏi đất là khai thác chứ không phải cải tạo đất, đặc biệt trách nhiệm theo Luật Xử phạt hành chính về đất đai thì trách nhiệm quản lý ban đầu phải thuộc về UBND xã, xã phải theo dõi phát hiện, lập biên bản yêu cầu dừng công việc, phạt hành chính và buộc trả về hiện trạng, nếu nặng thì kiến nghị thu hồi đất theo điều 64 Luật Đất đai. Một hoạt động như thế mà nói không đủ thẩm quyền và huyện Trảng Bom không nắm được là rất vô lý”.
Giữa tháng 4, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên và người đi cùng nhận được hai cuộc gọi của hai người lạ cảnh báo và đe doạ đừng đụng vào chuyện làm ăn của họ.