Theo Bộ TN&MT, việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho một số ngành là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay, Việt Nam cho phép nhập khẩu 36 mã hàng hoá là phế liệu như sắt thép, giấy, nhựa…
Việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nếu được kiểm soát tốt sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo tính toán, nếu dùng khoảng 1,1 triệu tấn phôi thép phế liệu có thể sản xuất được 1 triệu tấn phôi thép.
Diễn biến bất thường
Trong vài năm trở lại đây, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng khá nhanh. Năm 2017, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ cát là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 2 lần so với cả năm 2017.
Đây là mức tăng đột biến, bất thường, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng tồn đọng container phế liệu tại các cảng biển Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tại thời điểm tháng 6/2018, khoảng hơn 6000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng, chủ yếu là một số cảng biển tại TPHCM và Hải Phòng. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật, sau khi rà soát tại tất cả các cảng, hiện đã có đến hơn 15.000 container phế liệu tồn đọng.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, một lượng lớn hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển sẽ gây ra hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí để tiêu huỷ, xử lý.
Đặc biệt, việc hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam dẫn tới các doanh nghiệp cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc có nhu cầu vận chuyển giữa các bến cảng, ICD khác để chứa. Việc này làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam.
Thiếu cơ chế phòng ngừa
Từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 08 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 04 loại phế liệu quặng và 01 loại phế liệu giấy. Trong danh mục này, có một số loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc vốn là công xưởng sản xuất nguyên liệu từ phế liệu của thế giới. Do đó, Việc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế sẽ dẫn đến việc các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu...) sẽ phải tìm đối tác, thị truờng nhập khẩu mới. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container phế liệu tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đã có các hành vi gian lận thương mại như: Giả mạo Giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chi ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng lại cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển.
Một số chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu.
Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest luợc khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai bảo cụ thế số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.
Một lý do quan trọng khác, là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới. Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sẳp xêp lên bờ, làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, cơ quan chức năng luôn ở trong tình trạng bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vì phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về…
“Siết” quy định nhập khẩu, xử lý nghiêm vi phạm
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ TN&MT, Tài chính, Công Thương, GTVT và UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng này; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.
Đồng thời, tiến hành rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Trong thời gian tới, không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ TN&MT cũng được yêu cầu phải khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nhu cầu sử dụng của từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay, khả năng sử dụng các phế liệu sẵn có trong nước cho sản xuất, tác động đến môi trường của từng loại phế liệu, tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng loại phế liệu để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo hướng hạn chế tối đa danh sách phế liệu được nhập khẩu, bảo đảm công khai, minh bạch.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các Container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển; khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT, đến nay, các đoàn thanh tra đang khẩn trương làm việc để sớm đưa ra kết luận cuối cùng. Đồng thời, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cũng đã được Bộ KH&CN thẩm định, dự kiến sẽ ban hành trong đầu tháng 9/2018.
Đặc biệt, một dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về quản lý và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, ngành, địa phương cũng đang được gấp rút hoàn thiện để có thể nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng nhập khẩu phế liệu tràn lan.
Khẩn trương có các giải pháp kiểm soát nhập khẩu phế liệu
Từ nhu cầu phát triển, Việt Nam và nhiều quốc gia đang cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu để tái chế, đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, gần đây tình hình nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Theo Chính phủ