Giá thịt lợn đang tiệm cận mức kỷ lục trong lịch sử
Giá thịt lợn hơi trên thị trường miền Bắc hiện đã đạt mức kỷ lục trên 70.000 – 75.000 đồng/kg, cá biệt có nơi cán mốc gần 80.000 đồng/kg. Kéo theo đó, giá thịt lợn bán tại các chợ cũng nhảy múa không ngừng.
Khảo sát cho thấy, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ đang được bán phổ biến ở mức 140.000 đồng-150.000 đồng/kg, nạc vai ở mức 150.000 đồng/kg, sườn ở mức 150.000 đồng-170.000 đồng/kg… Đáng nói, tất cả các tiểu thương đều cho biết, về cuối năm, mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
“Tôi bán thịt lợn đã hơn chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng thịt lợn mỗi ngày một giá như hiện nay. Mỗi ngày chúng tôi lấy hàng được lò mổ báo tăng một giá, mà hàng còn khá khó khăn, tiểu thương bán lẻ như chúng tôi cũng không có tiếng nói gì trong việc này”- chị Hạnh, một tiểu thương bán thịt tại chợ Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội cho hay.
Trong khi giá thịt lợn đang nhảy múa từng ngày khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng có mức thu nhập không cao như lao động phổ thông, công nhân, người dân ở vùng nông thôn gặp khó khăn trong các bữa ăn hàng ngày thì ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục khẳng định, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, giá chủ lưu vẫn ổn định ở mức 58.000 – 65.000 đồng/kg, trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc nằm trong khoảng 65.000 – 66.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam 60.000 – 61.000 đồng/kg.
“Nguyên nhân chính không phải do chúng ta thiếu hụt nguồn cung quá lớn mà có vấn đề về lưu thông, thông tin. Việc giá lợn hơi lên đến 75.000 đồng/kg là cá biệt”- ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, có hiện tượng này là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, thì đương nhiên giá tăng; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm.
Còn ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng cao, Công ty C.P bình ổn giá thịt lợn dao động từ 65.000 – 66.0000- 67.000 đồng/kg.
Hiện nay Công ty CP Chăn nuôi C.P cung cấp ra thị trường miền Bắc 3.500-4.000 con lợn mỗi ngày. Riêng thị trường Hà Nội, chiếm khoảng 20% cơ cấu bán hàng.
Về nguồn cung thịt lợn của Công ty C.P tăng gần 10% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, hiện tại công ty cũng chỉ cung cấp được cho các khách hàng đã có hợp đồng làm ăn với CP lâu năm.
Trang trại có tâm lý "găm" hàng
Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Nhật Nguyên, một trong những nhà cung cấp thịt lợn vào các chuỗi siêu thị cũng phải thốt lên, những ngày qua, Công ty phải nhập vào giá lợn móc hàm ở mức 100.000 đồng/kg, mức giá lịch sử trong ngành chăn nuôi.
“Tôi làm nghề này đã trên chục năm, đây là lần đầu tiên ngành chăn nuôi lợn có hiện tượng như hiện nay, chúng tôi chỉ là doanh nghiệp thu mua sau đó cung cấp vào các chuỗi siêu thị nên mỗi ngày nghe báo giá mà sốt hết cả ruột. Nguồn cung thì khó khăn, nếu không phải là những trang trại chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác cả chục năm thì có lẽ không thu gom được lợn”- ông Thành cho hay.
Theo đó, ông Thành dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu không có sự can thiệp chính sách để bình ổn thì giá thịt lợn dịp Tết đắt đỏ tương đương hải sản.
Đặc biệt, theo ông Thành, hiện các trang trại lớn có tâm lý “găm hàng” để tiếp tục chờ giá lên, càng khiến cho thị trường khó khăn. “Nhiều trang trại muốn giữ hàng lại, không muốn bán vì thị trường mỗi ngày tăng một giá, mà lợn càng to thì lại càng có lãi lớn. Chúng tôi cũng sốt ruột lắm”- ông Thành lo ngại.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá thịt lợn hơi hiện tại là do người Việt kéo lên và chúng ta có thể kéo xuống được.
“Các doanh nghiệp như CP, DABACO... phải là người đầu tiên giảm giá xuống. Nếu cứ tăng như hiện nay thị trường sẽ bị phá vỡ. Hiện nay, chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá, chứ các doanh nghiệp có hệ thống giết mổ hiện đại không làm giá”- ông Dương khẳng định.