Giống như hầu hết các nhà hàng nhỏ ở vùng nông thôn thuộc huyện Vạn An (tỉnh Giang Tây), nhà hàng Tiểu Thần Tài không có thực đơn. Thực khách khi đến ăn sẽ trực tiếp vào bếp để lựa chọn nguyên liệu và yêu cầu đầu bếp chế biến theo ý mình.
Nhưng do giá cả tăng vọt, thịt lợn - thực phẩm phổ biến nhất Trung Quốc, đang ngày càng trở nên khan hiếm. Thay vào đó, nhiều người dân địa phương đang lựa chọn những món ăn truyền thống tưởng chừng như đã biến mất khỏi bàn ăn của người Trung Quốc từ lâu.
"Nếu muốn ăn thịt, tại sao không lựa chọn thịt chó?", người bồi bàn của nhà hàng gợi ý cho các thực khách của mình sau khi thông báo nhà bếp không còn thịt lợn.
Dịch tả châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho đàn lợn Trung Quốc - quốc gia sản xuất và tiêu thụ lợn lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa tổng số đàn lợn thế giới.
Giá thịt lợn tăng cao gây ra sư bất mãn trong xã hội, đặc biệt là trong các nhóm thu nhập thấp. Sự thiết hụt nguồn cung thịt lợn cũng làm giảm bớt niềm tin của người tiêu dùng về triển vọng kinh tế của đất nước trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung chưa hoàn toàn "hạ nhiệt".
Trong một siêu thị ở trung tâm thị trấn Vạn An, giá 1 kg thịt lợn nạc là 72 nhân dân tệ (hơn 200.000 đồng), trong khi thịt sườn có giá 74 nhân dân tệ, nhiều hơn gấp đôi so với mức giá một năm trước và tương đương với giá tại các đô thị lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải.
"Giá một cân thịt lợn cùng thời điểm năm ngoái chỉ rơi vào khoảng hơn 20 nhân dân tệ, giờ thì 30 nhân dân tệ mới mua được nửa lạng thịt", bà Liang Meilu - người mở 5 trường mầm non tại Vạn An, cho biết.
Do người tiêu dùng không muốn mua thịt lợn với giá quá cao, siêu thị có chương trình khuyến mãi thịt thỏ, với giá chỉ khoảng 29 nhân dân tệ/kg.
Giá thịt lợn tăng mạnh đặc biệt gây khó khăn đối với người dân Vạn An, vốn được coi là một "huyện nghèo" của Trung Quốc cho đến năm 2018. Thu nhập trung bình của người dân nơi đây rơi vào khoảng 2.500 nhân dân tệ (7,7 triệu đồng) mỗi tháng - chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với thu nhập ở các đô thị lớn trên cả nước.
Tại các khu chợ ngoài trời ở Vạn An, hầu hết các hộ kinh doanh thịt lợn đã phải tạm ngừng kinh doanh do không có khác, theo ông Liu Gang, một người dân ở đây cho biết.
"Không chỉ đắt mà thịt lợn còn rất khó mua bởi dịch bệnh đã giết chết gần hết đàn lợn kể từ đầu năm", ông Liu nói.
Và không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng thịt lợn Trung Quốc sẽ sớm kết thúc. Cục Thống kê Quốc gia cho biết giá thịt lợn trung bình trên toàn quốc đã tăng 69% trong tháng 9 so với một năm trước đó, đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên tới 3%. Giá thịt lợn dự kiến sẽ tăng hơn nữa với sự sụt giảm liên tục của đàn lợn trên cả nước.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, số lượng lợn còn sống đã giảm 41,1% vào cuối tháng 9 so với cùng thời điểm năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để tăng nguồn cung lợn, cố gắng hết sức để giúp nông dân mở rộng sản xuất trong khi nỗ lực nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng thịt lợn nhập khẩu của nước này đã tăng 43,6% lên 1,32 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm nay.
Nhưng nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc rất lớn đến nỗi ngay cả nguồn cung toàn cầu cũng không thể lấp đầy khoảng trống, buộc những người dân ở Vạn An phải coi thịt lợn là một thứ xa xỉ trong một thời gian dài.