Các hạn chế quyết liệt của Trung Quốc đối với cuộc sống hàng ngày của người dân dường như đã ngăn chặn làn sóng lây lan thứ nhất của dịch COVID-19 trên khắp cả nước, nhưng các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình toán học để chỉ ra rằng việc sớm dỡ bỏ các biện pháp có thể dẫn đến một đợt bùng phát thứ hai.
Vào ngày 8/4, chính quyền thành phố Vũ Hán đã dỡ bỏ toàn bộ các lệnh phong tỏa sau 76 ngày. Tuy nhiên, một số hạn chế sẽ vẫn được áp dụng, khi các nhà chức trách cảnh báo về việc vẫn còn những bệnh nhân không có biểu hiện đang được tự do đi lại bên ngoài.
"Mặc dù các biện pháp kiểm soát này dường như đã làm giảm số lượng nhiễm bệnh xuống mức rất thấp, nhưng nếu không có vaccine hoặc thuốc đặc trị, dịch bệnh có thể hồi sinh khi các doanh nghiệp, nhà máy và trường học trở lại, cùng với đó là làn sóng đi lại từ bên ngoài vào nội địa", theo giáo sư Joseph Wu từ Đại học Hong Kong, người đồng dẫn đầu nghiên cứu.
Ông Wu cảnh báo rằng tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng trừ khi chính phủ đảm bảo các hạn chế được dỡ bỏ từ từ và việc đi lại của người dân được giám sát chặt chẽ.
"Mặc dù các chính sách kiểm soát như cách ly xã hội và thay đổi hành vi có thể sẽ được duy trì trong một thời gian, nhưng chủ động tạo ra sự cân bằng giữa việc nối lại các hoạt động kinh tế và giữ mức sinh sản dưới mức có thể là chiến lược tốt nhất cho đến khi vaccine được phổ biến rộng rãi", giáo sư Wu nhận định.
Nghiên cứu mới nhất này trở nên rất quan trọng khi các quốc gia trên toàn thế giới đang xem xét cách tốt nhất để giảm bớt các hạn chế để đưa nền kinh tế của họ quay trở lại. Việc nhận định sai có thể dẫn đến một đợt bùng phát dịch bệnh mới và những hạn chế mới và có thể là thảm họa đối với các dịch vụ y tế và nền kinh tế.
Áo hôm thứ Hai cho biết nước này sẽ dần bắt đầu mở lại các cửa hàng sau lễ Phục sinh. Tại Đức, một nhóm các nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia y tế đang khuyến nghị chính phủ dần mở cửa nền kinh tế, giúp cho phép các ngành công nghiệp và người lao động làm việc trở lại, song song với việc kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Chính phủ Anh đang xem xét lệnh phong tỏa sau gần 3 tuần bắt đầu, nhưng thị trưởng London Sadiq Khan cho biết rằng các quy định này sẽ khó được nới lỏng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tại Anh vẫn chưa đạt đỉnh.
Các nhà nghiên cứu kinh tế Anh đã đề nghị rằng 4.2 triệu người trẻ tuổi từ 20-30 không sống cùng cha mẹ nên được phép quay lại làm việc.
Cụ thể, hai nhà nghiên cứu Andrew J. Oswald và Nattavudh Powdthavee từ Đại học Warwick, cho biết trong một báo cáo rằng ý tưởng này sẽ giúp giảm bớt "thiệt hại nghiêm trọng" cho nền kinh tế của đất nước.
"Nếu vaccine không được phát hiện nhanh chóng, bất kỳ hành động nào cũng tồn tại rủi ro và gây tổn thương. Chúng ta sẽ phải đối mặt với việc đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế. Các lựa chọn tại thời điểm đó có thể là những khó khăn cho các chính trị gia và người dân", theo báo cáo.
Tác động của việc "phá khóa" quá sớm có thể ảnh hưởng đến một số khu vực vốn khó khăn hơn những khu vực khác. Phân tích trong báo cáo đăng trên The Lancet cho thấy nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân mắc COVID-19 ở các khu vực trên cả nước là khác nhau, dựa trên sự phát triển kinh tế và nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
Tỷ lệ tử vong ở Hồ Bắc là 5,91%, cao hơn gần 6 lần so với bên ngoài tỉnh, với chỉ 0,98%, nghiên cứu cho thấy.
Giáo sư Gabriel M Leung từ Đại học Hong Kong, cho biết: "Ngay cả trong các siêu đô thị thịnh vượng và có nguồn lực tốt nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải, các nguồn lực chăm sóc sức khỏe là hữu hạn và các dịch vụ y tế sẽ phải vật lộn với nhu cầu gia tăng đột ngột".
"Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại địa phương có đủ nhân viên và nguồn lực để giảm thiểu các ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19", theo nghiên cứu trên tạp chí The Lancet.
Phân tích trên 14 tình, thành ngoài Hồ Bắc chỉ ra rằng các biện pháp nên được dỡ bỏ dần dần hoặc số ca mắc bệnh sẽ tăng dần trong khoảng thời gian còn lại trong năm.
Các ước tính cũng cho thấy rằng một khi gánh nặng của các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng, việc quay trở lại các biện pháp phong tỏa sẽ không giúp cải thiện tình hình. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, có khả năng dẫn đến những ảnh hưởng kinh tế và y tế lớn hơn.
"Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng khi hoạt động kinh tế trở lại trên khắp Trung Quốc trong những tuần tới, các ca nhiễm mới có thể là hồi chuông cảnh báo dịch bệnh đang quay trở lại", tiến sĩ và đồng tác giả - Kathy Leung từ Đại học Hong Kong, cho biết thêm.