Trong bài phát biểu, Tổng giám đốc Tedros đã đánh giá tổng quan về những việc WHO đã làm trong 100 ngày qua và những gì sẽ làm trong thời gian tới để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Cụ thể, ngày 1/1, chỉ vài giờ sau khi được thông báo về các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19, WHO đã kích hoạt Nhóm hỗ trợ quản lý sự cố để điều phối phản ứng của WHO tại trụ sở và ở cấp độ khu vực cũng như quốc gia. Ngày 5/1, WHO đã chính thức thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên về đợt bùng phát dịch bệnh mới này và công bố tin tức về dịch bệnh trên trang web của WHO.
Ngày 10/1, WHO đã ban hành hướng dẫn toàn diện cho các quốc gia về cách phát hiện, kiểm tra và quản lý các trường hợp tiềm ẩn và bảo vệ nhân viên y tế. Cùng ngày, WHO đã triệu tập nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về các nguy cơ truyền nhiễm để xem xét tình hình.
Ngày 22/1, WHO đã triệu tập họp Ủy ban khẩn cấp và một tuần sau đó, sau khi các trường hợp lây nhiễm từ người sang người đầu tiên được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là mối lo ngại quốc tế - mức báo động cao nhất của WHO.
Tháng 2, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO từ Canada, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, LB Nga, Singapore và Mỹ đã đến thăm các tỉnh bị ảnh hưởng do COVID-19 ở Trung Quốc để tìm hiểu thêm về virus, dịch bệnh và cách ứng phó, đồng thời để rút ra bài học cho thế giới. Đầu tháng này, nhóm quản lý khủng hoảng của Liên hợp quốc (LHQ) đã được kích hoạt để phối hợp toàn bộ các cơ chế mà theo đó, LHQ có thể hỗ trợ các nước một cách hiệu quả nhất.
Nhân viên y tế ngưng dùng ECMO (thiết bị thay thế chức năng tim và phổi) cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 5/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh WHO cùng với LHQ đã nỗ lực làm việc với hàng nghìn đối tác gồm các chính phủ, viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, tập trung vào 5 lĩnh vực chính gồm: Hỗ trợ các nước xây dựng năng lực chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, cung cấp thông tin chính xác và tư vấn phòng chống bệnh dịch, nỗ lực đảm bảo cung cấp các thiết bị y tế thiết yếu cho nhân viên y tế tuyến đầu, nỗ lực đào tạo và huy động nhân viên y tế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vaccine.
Về những biện pháp trong thời gian tới, ông Tedros cho biết ngoài việc tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột trên, WHO sẽ đưa ra một chiến lược cập nhật và kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược sửa đổi, trong đó có đưa ra con số ước tính về nhu cầu tài chính cho giai đoạn tiếp theo.
Tổng Giám đốc Tedro nêu rõ WHO đã và sẽ tập trung hợp tác với các quốc gia và với các đối tác để cùng ứng phó với mối đe dọa chung. WHO đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ thế giới, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, không chỉ ở các nước nghèo nhất, mà còn ở tất cả các quốc gia. Trong 100 ngày qua, cam kết của WHO là phục vụ tất cả mọi người trên thế giới với sự công bằng, khách quan và trung lập. Và đây sẽ tiếp tục là trọng tâm của tổ chức này trong những tháng sắp tới.