Khu vực công tại Đức đang vật lộn trước khối lượng công việc quá lớn do thiếu nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt tại các Văn phòng đăng ký công dân, Cơ quan thuế, Văn phòng nhập cư, trường học, cảnh sát... Trong cả nước, ngoài khoảng 360.000 vị trí bị bỏ trống, dự báo sẽ còn có khoảng 1,3 triệu vị trí khác sẽ bị bỏ trống từ nay đến năm 2030 do nhân viên nghỉ hưu.
Các công đoàn Đức từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo "nếu các chính trị gia không thực hiện các biện pháp đối phó, sẽ có nguy cơ giảm nhân sự nghiêm trọng". Thành viên hội đồng Liên minh Khoa học và giáo dục (GEW) Daniel Merbitz cho biết các dịch vụ giáo dục tiểu học và trung học hiện đang là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu hụt, vốn xảy ra triền miên trong nhiều thập kỷ qua.
Kết quả cuộc khảo sát của Quốc hội Đức gần mới đây đã phát hiện rằng các dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Đức đang đã rơi vào tình trạng chật vật trong năm 2021, Đức đã thiếu 378.000 vị trí tại các nhà trẻ và cơ sở chăm sóc ban ngày. Một tình huống tương tự đang xảy ra trong hệ thống trường học Đức, với ước tính khoảng 50.000 vị trí tại các trường học của Đức được cho là đang bỏ trống.
Để xoay chuyển tình hình hiện tại, chính phủ Đức đang phải thay đổi chính sách nhập cư với một hệ thống dựa trên điểm mới, với hy vọng sẽ khuyến khích được 1,5 triệu người mới mà nước này cần mỗi năm cho các khu vực doanh nghiệp và dịch vụ công. Tuy nhiên, nền kinh tế hàng đầu châu Âu cũng đang rơi vào khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất trong 20 năm, trong khi các văn phòng nhập cư đã bị gọi là "gần như rối loạn chức năng" do thiếu nhân viên hành chính.