Tình trạng này sẽ khiến hàng nghìn học sinh phải học bằng hình thức trực tuyến, hoặc trong các lớp học tạm thời cho đến khi các tòa nhà được sửa chữa, cải tạo lại.
Chính phủ Anh cho biết khoảng 156 trường học tại nước này được xây dựng bằng bê tông khí chưng áp (RAAC), loại vật liệu này chỉ có tuổi thọ khoảng 30 năm. Hồi đầu tháng 9/2023, Cơ quan Quản lý về Sức khỏe và An toàn (HSE) tại nơi làm việc của Anh thông tin rằng: “ vật liệu RAAC hiện đã hết niên hạn sử dụng. Nó có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, dấu hiệu để nhận biết tình hình sẽ là rất ít, mà thậm chí là sẽ không xuất hiện”.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh Gillian Keegan cho biết, hôm 4/9, khoảng 1.500 trường học tại nước này hiện vẫn chưa cung cấp thông tin rằng liệu các cơ sở của họ có sử dụng loại vật liệu xây dựng này hay không. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng tổng số trường học bị ảnh hưởng và phải đóng của có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Loại vật liệu bê tông RAAC được sử dụng rộng rãi trong các công trình khu vực công xây dựng vào những năm 1950 cho đến giữa những năm 1990 tại Anh Quốc. Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, đây là một loại vật liệu nhẹ, có lớp ngoài sủi bọt và mềm hơn bê tông tiêu chuẩn, được làm từ vôi, nước và chất sục khí. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên yếu hơn và dễ bị hư hỏng theo thời gian.
Hiện nay, chưa có thông tin chính thức về việc các trường học này tại Anh sẽ phải đóng cửa trong bao lâu, cũng như tổng chi phí sửa chữa trong suốt cả giai đoạn. Một số trường sẽ phải đóng của hoàn toàn, song một số khác chỉ bị buộc phải đóng cửa một số khu vực tòa nhà được xây bằng vật liệu này và vẫn được phép hoạt động. Sau khi “cuộc khủng hoảng bê tông” xảy ra tại Anh, làm ảnh hưởng đến hạot động của rất nhiều trường học, việc đánh giá rủi ro tại các cơ sở giáo dục ở Bắc Ireland, xứ Wales và Scotland cũng đã được tiến hành.
Trong xã hội Anh đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích, bao gồm từ cả phụ huynh và các nhà lập pháp, rằng chính phủ đã không có những hành động sớm hơn nhằm cải tạo các cơ sở giáo dục nằm trong diện bị ảnh hưởng, dù đã biết hầu hết các toà nhà khu vực công đều sử dụng loại bê tông RAAC này từ năm 1994.
Các biển báo “Vui lòng không vào khu vực này” đã xuất hiện bên trong các trường học được xây dựng bằng bê tổng RAAC và hiện đang đứng trước rủi ro bị sập bất cứ lúc nào, buộc học sinh phải dạy bài ở nơi khác. Trước tình cảnh đó, rất nhiều phụ huynh có con theo học tại những ngôi trường này đã bày tỏ lo ngại khi con họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải quay lại học tập bằng hình thức trực tuyến, giống như những gì chúng từng phải trải qua trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Suốt quãng thời gian trung học, con gái tôi đã học tập bằng hình thức trực tuyến tại nhà do đại dịch bùng phát. Em gái của nó cũng vậy. Và điều đó hoàn toàn đem lại những ảnh hưởng không tốt đến việc học hành của chúng, cả về phương diện tinh thần, cũng như việc phát triển các kỹ năng xã hội khác”, một phụ huynh bày tỏ lo lắng. Trước những phản ứng này, chính phủ Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết trong tuyên bố mới đây rằng các cơ quan chức năng đã theo dõi vấn đề này kể từ năm 2018, và cũng đã hướng dẫn, cung cấp một số khoản hỗ trợ kinh phi cho các trường học nhằm quản trị rủi ro. “Việc đóng cửa một phần hoặc toàn bộ hơn 100 trường học là một ‘biện pháp phòng ngừa’ cần thiết trong thời điểm hiện nay”, trích trong tuyên bố của chính phủ Anh.
Ngày 4/9, Thủ tướng Anh cho biết ông hiểu sự lo lắng của các gia đình, nhưng muốn nhấn mạnh rằng “phần lớn các trường học không bị ảnh hưởng”. Ông đồng thời khẳng định rằng việc đổ lỗi cho ông về cuộc khủng hoảng này là “hoàn toàn sai lầm”.
“Con số trường học phải đóng cửa mà chúng ta đang nhắc đến, chiếm một phần rất nhỏ trong số 22.500 trường học trên cả nước. Chúng tôi đã tiến hành các cuộc khảo sát từ tháng Ba năm ngoái, vì vậy chúng tôi biết những cơ sở nào có sử dụng vật liệu bê tông RAAC và đã cử các đơn vị khảo sát đến xem xét tình hình”, Bộ trưởng Bộ Trường học Anh Nick Gibb, nhấn mạnh.