Là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1982 dựa trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, Hancorp được ưu ái giao nhiều đất thực hiện dự án lớn. Tuy nhiên, quá trình thanh kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập tại Hancorp.
Nhiều dự án chậm tiến độ cả 10 năm
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả. Đơn cử như dự án nhà máy gạch bê tông khí chưng áp tại Khu công nghiệp Quế Võ II, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
Dự án do Công ty cổ phần thiết bị và vật liệu xây dựng Hancorp làm chủ đầu tư với quy mô được duyệt là 40.000m2, tổng số vốn đầu tư là hơn 147 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành đưa vào sản xuất kinh doanh tháng 9/2011. Tuy nhiên, đến thời điểm được thanh tra vào năm 2019, chủ đầu tư triển khai xây dựng dở dang một số hạng mục công trình, và tạm dừng từ 2012 đến nay.
Ngoài dự án nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, dự án nhà N01 - T8 của Hancorp lần lượt chậm 10 năm và 6 năm.
Trước đó trong bản báo cáo kiểm toán về tài chính, hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số sai phạm tại 2 dự án này như lập tổng mức đầu tư dự án sai làm tăng vốn đầu tư, thiếu hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bảng chấm công, chứng từ chi trả lương.
Không những thế, qua kiểm toán đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỷ đồng, trong đó, tính sai khối lượng 10,5 tỷ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 48 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vấn đề bất cập tại Hancorp |
Đầu tư không hiệu quả, thua lỗ lớn, nhiều khoản nợ khó đòi
Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện Hancorp có nợ phải thu khó đòi gần 322 tỷ đồng. Một số khoản nợ phải thu phát sinh từ các năm trước nhưng đến nay chưa thu hồi được, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp Hancorp ngày một đi xuống. Có vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về trong cả năm 2020 của Hancorp chỉ dừng lại ở 2 con số. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Hancorp chỉ đạt 37 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2019 (tương ứng giảm 94 tỷ đồng).
Theo ban lãnh đạo Hancorp, nguyên nhân của sự chênh lệch lớn giữa 2 niên độ là do dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến một số công trình xây lắp, dự án đầu tư của Hancorp không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Doanh thu và lợi nhuận ghi nhận trong năm 2020 vì thế đều suy giảm.
Tính đến ngày 31/12/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hancorp ước đạt 1.992 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước, chủ yếu do giảm các hợp đồng xây lắp và kinh doanh bất động sản (giảm 55%).
Vốn được biết đến là một doanh nghiệp chuyên về xây dựng, xưa nay phụ thuộc lớn vào bất động sản và xây lắp, nhưng năm 2020, doanh thu của Hancorp lại “ăn nhờ” vào khoản thu từ hoạt động tài chính, bán hàng, cung cấp vật tư.
Cụ thể, trong năm 2020, nhờ thanh lý các khoản đầu tư tài chính mà Hancorp thu về 151 tỷ đồng, trong khi năm 2019 ghi nhận khoản thu này chỉ với 1,7 tỷ đồng.
Cộng với khoản tiền lãi cho vay, gửi ngân hàng và 13 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty góp vốn, doanh thu hoạt động tài chính của Hancorp đạt khoảng 167,7 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần doanh thu tài chính của công ty trong năm 2019.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Hancorp nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, cũng như giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả của công ty mẹ tại các doanh nghiệp có vốn góp.
Tính đến thời điểm cuối năm 2020, số tiền vốn mà Hancorp đã đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết dự kiến sẽ “mất” là hơn 192 tỷ đồng.
Chính vì vậy, cơ quan này tiếp tục yêu cầu Hancorp khắc phục những sai sót; rà soát, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khoản nợ phải thu quá hạn và khó đòi để xử lý dứt điểm.
Trong một diễn biến mới đây, Hancorp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 70 triệu đồng vì hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN về báo cáo thường niên năm 2018, nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2019, báo cáo thường niên năm 2019 và báo cáo thường niên năm 2020.
Chốt quý I/2021, Hancorp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 304 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên hơn 2,7 tỷ đồng.