Kinh nghiệm lấy hàng không tiếp sức du lịch nhìn từ thành công của Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Các địa phương có sân bay, nếu biết khai thác, tận dụng sẽ có cơ hội lớn để bứt phá phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Đường bay thẳng đã góp phần không nhỏ giúp cho du lịch Côn Đảo “cất cánh”.
Đường bay thẳng đã góp phần không nhỏ giúp cho du lịch Côn Đảo “cất cánh”.

Côn Đảo “mở đường”

6 tháng đầu năm 2023, Côn Đảo đón 385.765 lượt khách du lịch, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch đạt gần 1.388 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2022, theo thống kê của Sở VHTT&DL Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là con số đáng mơ ước đối với bất kỳ tỉnh thành nào, trong bối cảnh ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh covid 19 lại vấp phải khó khăn do kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều điểm du lịch vắng khách ngay cả trong thời kỳ cao điểm, lễ tết.

Ông Nguyễn Anh Nhựt – Phó Bí thư Huyện uỷ Côn Đảo cho biết đường bay thẳng đã góp phần không nhỏ giúp cho du lịch Côn Đảo “cất cánh”. Ngay sau khi Bamboo Airways khai thác đường bay thẳng Hà Nội- Côn Đảo, chỉ tính riêng trong quý 1/2021, sân bay Côn Đảo (hay còn gọi là sân bay Cỏ Ống) đã đón gần 221 nghìn lượt khách, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. “Các đường bay đã giúp nâng cao giao thông Côn Đảo nâng cao cả về năng lực và chất lượng dịch vụ, góp phần đưa kinh tế, xã hội của địa phương bước sang trang mới, đưa Côn Đảo trở thành điểm sáng du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Nguyễn Anh Nhựt khẳng định.

Thời điểm Bamboo Airways công bố mở đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo, không hiếm các ý kiến nghi ngại rằng hãng hàng không này đang đi “nước cờ” mạo hiểm bởi đường bay thẳng tới Côn Đảo mang tính chất mùa vụ. Hành khách chọn tới Côn Đảo bằng đường hàng không chủ yếu đi lễ, tập trung vào sau tết, và dịp lễ từ tháng 5 tới tháng 7. Những tháng còn lại, đặc biệt là tháng 8 đến tháng 12 là mùa gió chướng, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khai thác bay. Thêm vào đó, sân bay Cỏ Ống là sân bay đặc thù, đường cất hạ cánh ngắn, không thể tiếp nhận tàu bay tải trọng lớn, các yếu tố khai thác cũng rất đặc thù, cộng với đó, cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của cảng Hàng không này còn tương đối hạn chế.

Thế nhưng chỉ sau hơn 6 tháng Bamboo Airways cất cánh tới Côn Đảo, thực tế thị trường đã chứng minh tính đúng đắn của lựa chọn tưởng như mạo hiểm này. Hãng bay đã ghi nhận kết quả khai thác ấn tượng. Hơn 1.700 chuyến bay an toàn kết nối Côn Đảo. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt tới 80 - 90% vào những giai đoạn cao điểm. Thậm chí có thời kỳ, Bamboo Airways khai thác tới 22 chuyến bay thẳng/ngày kết nối Côn Đảo với nhiều các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ.

Tất cả các đường bay thẳng Côn Đảo của Bamboo Airways đều sử dụng dòng máy bay phản lực Embraer 190, có dịch vụ hạng thương gia. Đây cũng là hãng hàng không đầu tiên có phòng chờ hạng thương gia riêng tại sân bay Côn Đảo.

Kinh nghiệm lấy hàng không tiếp sức du lịch nhìn từ thành công của Côn Đảo ảnh 1

Phòng chờ thương gia của Bamboo Airways tại Côn Đảo.

Máy bay kín chỗ, khách sạn kín phòng là bức tranh tươi sáng của du lịch Côn Đảo kể từ khi có các đường bay thẳng. Trước đây, hành khách chỉ có một lựa chọn bay đến Côn Đảo là từ TPHCM, khiến việc di chuyển đến Côn Đảo bị hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương. Việc mở rộng các đường bay thẳng đến Côn Đảo vì thế rất cần thiết và kịp thời. Có thêm đường bay không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối Côn Đảo ngày càng tăng, mà còn giúp giảm bớt thời gian và công sức di chuyển nối chuyển cho đông đảo người dân địa phương và du khách.

Các đại lý du lịch Côn Đảo cho biết Bamboo Airways đã tạo lập được một làn sóng du lịch mới, khai thác phân khúc khách hàng mới bên cạnh phân khúc khách hàng quen thuộc, khi nhiều du khách lần đầu tới được Côn Đảo nhờ có các đường bay thẳng của hãng.

Mạng bay Côn Đảo của Bamboo Airways cũng là lời giải cho mệnh đề: đầu tư sân bay nhỏ, đường bay ngách thế nào để có hiệu quả.. Rõ ràng, nếu không có đường bay thẳng, du lịch Côn Đảo sẽ khó lòng kích thích để tăng trưởng như hiện tại, lượng du khách khó có thể tăng thêm gấp đôi gấp ba mỗi năm. Có nhiều du khách xác nhận, trước đây đi lại vất vả, họ chỉ mong ước mỗi năm đi Côn Đảo 1 lần, thì nay họ có thể đi 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn. Không chỉ đi lễ, Côn Đảo còn là điểm du lịch biển được yêu thích bởi sự hoang sơ, tự nhiên và cùng các di tích lịch sử hào hùng. Tiềm năng du lịch của Côn Đảo được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, điều này cũng tác động tích cực tới tâm lý của các hãng hàng không, thêm nhiều hãng nhìn thấy dư địa của thị trường và đang có những bước đầu tư để có thể đi vào khai thác các chặng bay này.

Cà Mau tiếp bước

Có nhiều điểm tương đồng với Côn Đảo, Cà Mau cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các đường bay ngách.

Sân bay Cà Mau là sân bay nội địa cuối cùng được hòa vào mạng bay kết nối với thủ đô Hà Nội. Tương tự như Côn Đảo, đây cũng là sân bay nhỏ, chỉ đón được các máy bay tải trọng nhỏ do hạn chế hạ tầng. Trước đây mỗi ngày sân bay Cà Mau chỉ đón 1 chuyến bay chặng ngắn kết nối đến TP HCM. Công suất hoạt động là 35.000 – 40.000 khách/năm, chỉ đạt 1/5 công suất tối đa của sân bay là 200.000 khách/năm.

Kinh nghiệm lấy hàng không tiếp sức du lịch nhìn từ thành công của Côn Đảo ảnh 2

Máy bay phản lực E90 của Bamboo Airways hạ cánh sân bay Côn Đảo.

Mặc dù thời gian bay thí điểm Bamboo Airways chỉ được cấp slot 3 chuyến khứ hồi/tuần, song đây đã là cú hích lớn đối với Cà Mau. Đại diện Bamboo Airways cho biết hệ số sử dụng ghế các chuyến bay Hà Nội – Cà Mau luôn ở mức cao, cho thấy đường bay này đã đáp ứng vào nhu cầu lớn vốn bị bỏ ngỏ từ lâu của người dân. Đường bay thẳng này cũng giống như Côn Đảo, ngay lập tức kích cầu du lịch khi lần đầu tiên trong lịch sử, ngành du lịch Cà Mau ghi nhận chỉ vài ngày trong dịp Lễ 30/4 đã có đến hơn 222.700 lượt khách đến Cà Mau, tăng hơn 267% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia tư vấn phát triển thị trường du lịch, tuyến đường Hà Nội - Cà Mau vốn là một trong những hành trình đường bộ dài nhất cả nước, với khoảng cách lên đến gần 2.000km. Khi chưa có đường bay thẳng, du khách tới Cà Mau từ các địa phương phía Bắc thường phải di chuyển mất 2 ngày bằng đường bộ, kết hợp đường thủy và các chuyến bay nối chuyến. Do đó mặc dù sở hữu 2 Vườn quốc gia nổi tiếng, 12 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể, tiềm năng du lịch trải nghiệm, khám phá rất lớn, song ngành du lịch Cà Mau vẫn chưa phát triển tương xứng, lượng du khách tới Cà Mau còn khá khiêm tốn.

Khả năng khai thác các đường bay kết nối Cà Mau còn có thể cao hơn do không bị phụ thuộc vào thời tiết, sân bay nằm trên đất liền nên dễ quy hoạch mở rộng, nâng cấp sân bay hơn. Cà Mau còn mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng khi là điểm cực Nam của Tổ quốc, có giá trị đặc biệt trong thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh các di tích lịch sử, vùng đất Cà Mau còn có những đặc trưng thú vị điển hình cho văn hóa Nam Bộ cùng các sản phẩm du lịch khám phá sông nước và rừng ngập mặn rất được khách du lịch yêu thích.

Kinh nghiệm lấy hàng không tiếp sức du lịch nhìn từ thành công của Côn Đảo ảnh 3

Đường bay thẳng Hà Nội- Cà Mau có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn, cần được hỗ trợ để duy trì.

Tương tự như Côn Đảo, nếu Cà Mau duy trì được đường bay thẳng kết nối tỉnh này với các địa phương, trung tâm kinh tế trong cả nước, thậm chí là các điểm đến nước ngoài thì du lịch Cà Mau nói riêng, kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh nói chung sẽ được tiếp đà phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian bay thí điểm, Bamboo Airways đã phải tạm dừng đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau và chờ được Bộ GTVT cấp phép khai thác vượt tải cho đến khi hạ tầng sân bay được nâng cấp. Việc tạm dừng đường bay thẳng Hà Nội- Cà Mau đang gây tiếc nuối rất nhiều cho du khách và rõ ràng, Cà Mau đang đứng trước nguy cơ mất đi cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, ngay trong bối cảnh ngành du lịch nước nhà đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023 và đạt được những bước phát triển đột phá, đồng đều giữa các vùng miền, địa phương.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.