Ngày 18/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo trong tài khóa 2020 (kết thúc vào 31/3/2021), nền kinh tế nước này đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay.
Văn phòng Nội các Nhật Bản báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế Nhật Bản, trong quý I/2021 (quý cuối của tài khóa 2020), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này ước giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,3% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là lần đầu tiên GDP thực tế của Nhật Bản giảm sau hai quý phục hồi liên tiếp.
Tính chung trong tài khóa 2020 GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với tài khóa trước đó - là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP vào tài khóa 1955 và là năm thứ 2 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này rơi vào suy thoái.
Trước đó, mức sụt giảm mạnh nhất ghi nhận là 3,6% được ghi nhận trong tài khóa 2008, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong quý 1/2021, GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm 1,6% so với quý trước đó và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả tài khóa 2020, GDP danh nghĩa giảm 4% so với tài khóa trước đó.
Giới phân tích cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh trong quý 1/2021 là do tác động của tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 mà Chính phủ ban bố hồi đầu năm nay ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, và sau đó mở rộng ra 11 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này. Tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 chỉ được dỡ bỏ hôm 21/3.
Trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, các nhà hàng và quán bar phải rút ngắn thời gian hoạt động.
Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột chính của nền kinh tế Nhật Bản. Cụ thể, trong quý 1/2021, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, ước giảm 1,4% so với quý trước đó.
Nhiều khả năng nền kinh tế này sẽ tiếp tục suy thoái trong quý 2/2021 sau khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở nước này, khiến Chính phủ Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và 8 tỉnh khác, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 10 tỉnh khác.